Top

Rộng đường

Cập nhật 28/08/2008 16:00

Dự thảo Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đấu thầu, lựa chọn NĐT để khai thác, kinh doanh các dự án gắn với việc sử dụng quỹ đất công theo quy hoạch đang tạo cơ sở để mở rộng cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này.

Với đề nghị về việc các cơ quan trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm công bố công khai danh mục các dự án gắn với quỹ đất công nằm trong quy hoạch, NĐT, bao gồm cả NĐT trong nước và nước ngoài sẽ có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin liên quan đến các dự án.

Quan trọng nhất, tình trạng rối rắm, thậm chí dẫn đến khiếu kiện như đã từng xảy ra với các "khu đất vàng" của các DNNN sẽ được giải quyết nhờ giải pháp đơn giản là công khai. Và có lẽ, sự trì trệ trong thực hiện các quy định về di dời những nhà máy sản xuất ra ngoài các khu đô thị nhờ vậy có điều kiện thực hiện nhanh chóng hơn.

Quỹ đất được quy định ở đây bao gồm đất thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cơ quan nhà nước, DNNN có dự án cần kêu gọi đối tác đầu tư. Do yếu tố lịch sử, địa thế và quy mô của đa phần các diện tích này đều thuộc hàng hấp dẫn, giá cả nếu chiếu theo giá thị trường thì cũng thuộc hàng đỉnh nhất, khiến những lợi thế gần như không thể so sánh này nhiều khi gây nên những bất lợi khó lường.

Tình trạng quỹ đất công dù đã có quy hoạch, song do không thống nhất được giá cả, phương án chuyển đổi… nên trở thành những khoảng trống kéo dài, không hiếm ở nhiều đô thị lớn.

Lãng phí được nhìn nhận không chỉ về hiệu quả sử dụng đất, phần vốn của Nhà nước, mà còn là cơ hội đầu tư của NĐT. Mặc dù hiện đang vào thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn, song điều này không đồng nghĩa với việc NĐT có năng lực tài chính mạnh từ chối cơ hội từ các khu đất có lợi thế kinh doanh lớn.

Động thái nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản hồi tháng 5 có thể là một ví dụ cho sự tranh thủ cơ hội lúc "chợ chiều" của NĐT lớn.

Việc tiếp cận các dự án gắn với quỹ đất công khi được công khai, minh bạch thông qua hình thức đấu thầu có thể sẽ đem lại những luồng sinh khí mới cho thị trường lúc ảm đạm.

Theo yêu cầu của dự thảo này, thông tin về dự án cần phải được đăng trên Báo Đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tối thiểu là 10 ngày để đảm bảo cho NĐT quan tâm có thể tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia.

Dự thảo cũng yêu cầu, khi dự án có từ hai NĐT quan tâm thì phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế, tuỳ theo quốc tịch của NĐT đăng ký tham gia.

Thông tin về đấu thầu rộng rãi cũng được yêu cầu đăng thông báo 3 kỳ liên tiếp trên Báo Đấu thầu hoặc trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi. Sẽ không có việc giới hạn số lượng NĐT tham gia dự thầu. Trong trường hợp chỉ có một NĐT đăng ký tham gia, dự thảo Thông tư đưa ra quy định cho phép chỉ định thầu.

Đặc biệt, ngay cả với trường hợp các dự án do NĐT tự đề xuất, dự thảo cũng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố công khai dự án và cũng được tổ chức đấu thầu nếu dự án đó được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch và đã hoàn thành quy hoạch chi tiết theo tỷ lệ 1/500. Trong mọi trường hợp, cơ hội chia đều cho tất cả NĐT tư có năng lực tài chính.

Tất nhiên, việc thắng thua đối với NĐT phụ thuộc rất nhiều vào chính năng lực và những tính toán của họ. Các yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% tổng mức đầu tư do NĐT đề xuất cho dự án được dự thảo đưa ra nhằm nâng cao tính khả thi của các dự án được đấu thầu, đảm bảo cho mục đích theo quy hoạch của đất công nhanh chóng được thực hiện.

Khi đó, hiệu quả sử dụng đất công rõ ràng được nâng tầm lên rất nhiều. Lợi nhuận trong trường hợp này không chỉ thuộc về NĐT.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán