Top

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Dân sợ tiền chảy túi doanh nghiệp

Cập nhật 01/03/2012 14:25

Điều khiến người dân băn khoăn khi xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở là Quỹ ưu tiên cho người dân vay mua nhà là hợp lý. Tuy nhiên nếu dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, liệu có dễ nảy sinh tiêu cực? Và trong trường hợp thất thoát tiền, cơ chế nào sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân. Và liệu có nhất thiết nhà nước phải đứng ra trực tiếp quản lý Quỹ?

Tăng cơ hội có nhà


Khác với ý tưởng lần trước có tính bắt buộc là trích 1% lương của người lao động, đề án xây dựng lần này đưa ra hình thức tham gia quỹ mang tính tự nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến, và khuyến khích mọi đối tượng tham gia quỹ.

Theo đó, dự kiến sẽ có 2 mô hình được triển khai, trong đó mô hình thứ nhất sẽ tập trung cho người có thu nhập thấp vay mua, mua trả góp nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Kế hoạch nguồn vốn để hình thành quỹ đến từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho quỹ; một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở; và nguồn vốn phát hành trái phiếu nhà ở.

Người tham gia quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm. Việc cho vay được thực hiện trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước, và người vay sẽ trả số tiền vay trong 15 năm.

Với mô hình thứ hai, quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ tập trung cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ này sẽ do một ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý.

Khác với mô hình đầu tiên, nguồn vốn cho quỹ này họat động sẽ đến từ người có nhu cầu mua nhà ở tham gia đóng quỹ, không được huy động từ nguồn khác. Người tham gia sẽ được cho vay sau khi đã đóng vào quỹ khoảng 50% giá trị căn nhà mình muốn mua.

Với hình thức tham gia quỹ mang tính tự nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến, nên nhận được đại đa số ý kiến ủng hộ của người dân.

Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ tạo thêm cơ hội có nhà cho nhiều người thu nhập thấp

Theo anh Nguyễn Văn Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ giúp cho người nghèo, những người có thu nhập thấp tăng cơ hội được mua nhà. Cụ thể, với một căn hộ dành cho người thu nhập thấp khoảng 500 triệu đồng, người mua phải đóng 30%, tức là khoảng 150 triệu đồng.

Thời gian đóng quỹ là 5 năm, tức là mỗi năm sẽ đóng vào quỹ này khoảng 30 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, để có được nhà, người mua sẽ phải để dành khoảng 2,5 triệu đồng. Với thu nhập trung bình của công chức làm việc tại Hà Nội như hiện nay, thì số tiền này là có thể tiết kiệm được và như vậy, có thể sở hữu được một ngôi nhà thu nhập thấp nếu tham gia đóng quỹ này.

Với giá bình quân từ 12-14 triệu đồng/m2, một căn hộ thuộc diện nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội có giá 500 – 600 triệu đồng vẫn là số tiền lớn nên không ít hộ gia đình dù đã có suất mua nhà vẫn phải ngậm ngùi trả lại vì không đủ khả năng thanh toán.

“Giống như đóng bảo hiểm nhân thọ, việc người thu nhập thấp tham gia đóng quỹ này là rất thuận lợi và phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình. Nếu không đóng quỹ, việc phải bỏ ngay 1 lúc hơn 500 triệu đồng là rất khó khăn, nhưng việc hàng tháng bỏ ra 2,5 triệu đồng thì lại có khả năng thực hiện”, anh Bình cho biết.

Thời gian thanh toán số tiền còn lại là 15 năm, đây cũng chính là một trong những điểm được nhiều người đánh giá cao.

Chị Tạ Thanh Huyền, chuyên viên tại Bộ Tư Pháp (Hà Nội) cho biết, hiện nay cái khó đối với người thu nhập thấp là họ không có đủ khả năng để có ngay một lúc số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Chính vì vậy, quỹ tiết kiệm nhà ở đã giải quyết được vướng mắc lớn nhất là vấn đề thời gian thanh toán cho người thu nhập thấp. Với số tiền phải đóng ban đầu là 30%, đây là khoản tiền nhiều người có thể xoay sở được, còn 70% giá trị căn nhà còn lại thì được đóng trong vòng 15 năm, vì vậy, dù thu nhập không cao nhưng người thu nhập thấp vẫn có thể tiết kiệm tiền để mua nhà được.

“Nếu tính một căn hộ giá 500 – 600 triệu đồng, thì tham gia đóng quỹ, người mua sẽ chỉ phải bỏ ra mỗi tháng từ 2 – 3 triệu đồng. Với người thu nhập thấp, đây không phải là số tiền nhỏ nhưng vẫn có thể tích góp được”, chị Huyền cho biết.

Bên cạnh đó, ưu điểm của quỹ này là nguồn vốn chỉ dùng cho nhà ở. Những người muốn có nguồn vốn này phải tham gia tiết kiệm trong một khoảng thời gian. Và họ tiết kiệm được 50% thì họ được vay 50%.

Có nghĩa là sử dụng nguồn vốn là nguồn vốn tiết kiệm và đầu tư ra chỉ dùng cho nhà ở cho khách hàng cuối cùng. Do đó, nguồn vốn này nếu có sẽ không ảnh hưởng tới đầu cơ cũng như ảnh hưởng tới lạm phát của nền kinh tế.

Băn khoăn

Bên cạnh những ưu điểm của quỹ Tiết kiệm nhà ở, vẫn còn những ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của việc lập quỹ. Anh Nguyễn Văn Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay giá nhà đất tại Việt Nam quá cao, nhất là Hà Nội – nơi có mức giá cao nhất nước.

Dù giá nhà như hiện nay đã giảm nhiều so với giai đoạn 2009, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của người có nhu cầu mua nhà.

“Với mức giá nhà như hiện nay, ngay cả nhà thu nhập thấp cũng khoảng tầm trên dưới 500 triệu đồng/căn, thì tất cả lương của một công chức góp lại trong 10 năm còn khó mua được nhà, đấy là tính 10 năm không ăn tiêu gì, chứ trừ tiền ăn thì không biết đến bao giờ mới mua được nhà”, anh Hải nói.

Việc nộp 30% giá nhà nhưng phải tham gia quỹ tối thiểu 5 năm cũng chưa hợp lý. Anh Hải phân tích, nếu với 1 căn nhà có giá 600 triệu đồng, người mua nhà nộp 30%, tức là 180 triệu đồng. Số tiền này người dân có thể vay mượn người thân, bạn bè không quá khó khăn, nên quy định phải tham gia quỹ 5 năm lại khiến người dân vẫn chưa thể có nhà ngay được, trong khi nhu cầu về chỗ ở thì lại đang rất cần thiết.

Ngoài ra, điều khiến chị Huyền băn khoăn là quỹ ưu tiên cho người dân vay mua nhà là hợp lý. Tuy nhiên nếu dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, liệu có dễ nảy sinh tiêu cực? Và trong trường hợp thất thoát tiền, cơ chế nào sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân. Và liệu có nhất thiết nhà nước phải đứng ra trực tiếp quản lý Quỹ?

Hiện Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi Ban, Bộ, ngành xin ý kiến về Đề án Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở, để hoàn thiện trình Thủ tướng trong tháng 3. Trước đó, ngày 14/2/2012, Bộ Xây dựng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lấy ý kiến góp ý các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản về dự thảo Đề án nêu trên.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News