Top

Hà Nội: “Đòi” tăng giá bồi thường đất gấp… 8 lần

Cập nhật 01/03/2012 10:05

UBND huyện Sóc Sơn vừa đề nghị điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường và hỗ trợ bổ sung đối với các hộ có nguyện vọng tự lo chỗ ở phục vụ công tác GPMB dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn và dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nơi cao nhất gấp… 8 lần giá TP quy định.

Đề nghị giá... khủng!


Theo UBND huyện Sóc Sơn, hiện có 22 hộ dân tại thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn có đất ở nằm trong phạm vi GPMB dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải 2000 tấn/ngày, đêm tại khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, cách đường 35 đi Bắc Sơn (đoạn qua địa phận xã Hồng Kỳ) khoảng 700m. Tất cả các hộ dân đều sống bằng sản xuất nông nghiệp và mong muốn được ở nơi cách xa bãi rác.

Theo quy định tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 của UBND TP về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn TP năm 2011 thì giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ thuộc khu dân cư nông thôn xã Nam Sơn là 250.000đ/m2, còn theo bảng giá đất năm 2012 là 350.00đ/m2.

Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, mức giá đất đã ban hành chưa sát với thực tế chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường. Hiện tại mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói chung, các thửa đất ở có vị trí, khả năng sinh lợi tương tự thửa đất ở phải thu hồi cho dự án nói riêng cao hơn so với mức giá UBND TP quy định.

Do vậy, UBND huyện Sóc Sơn đề xuất mức giá bồi thường với các hộ có đất ở nằm trong phạm vi GPMB dự án nói trên với mức giá là 2.000.000đ/m2 (gấp 8 lần so với bảng giá năm 2011 và gáp gần 6 lần so với bảng giá năm 2012).

Đối với dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hiện có 22 hộ dân tại thôn Ninh Kiều và Quán Mỹ, xã Tân Dân có đất ở nằm trong phạm vi GPMB dự án xây dựng đường cao tốc, trong đó có 12 hộ được bố trí tái định cư. Có 3 hộ nằm ở vị trí 1 đường 35; 5 hộ nằm ở vị trí 1 đường QL 2 đi Minh Trí, Xuân Hoà và 14 hộ nằm trong phạm vi đất ở nông thôn xã Tân Dân, cách đường QL 2 đi Minh Trí, Xuân Hoà 30km.

Theo bảng giá đất của TP năm 2011 thì giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ trong các vị trí nói trên có giá là 400.000đ/m2 và 2.600.000đ/m2. Còn theo bảng giá đất năm 2012 thì giá đền bù từ 500.000đ và 2.600.000đ/m2.


Dù đã khởi công được gần 2 năm rưỡi và thời gian để hoàn thành toàn bộ dự án không còn nhiều, nhưng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB và tái định cư.

Đối với dự án này, UBND huyện Sóc Sơn cũng cho rằng, đây là khu vực gần đường QL2, trường cao đẳng Nghề điện, trường cao đẳng công nghiệp, nhiều công ty sản xuất lớn nên giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trong điều kiện bình thường của các thửa đất có vị trí, khả năng sinh lời tương tự thửa đất ở phải thu hồi của dự án này cao hơn mức giá do Thành phố quy định. Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn đề xuất mức giá bồi thường cho các hộ có đất ở nằm trong phạm vi GPMB dự án đối với khu vực nông thôn xã Tân Dân là 4 triệu đồng (gấp 10 lần mức giá TP quy định năm 2011, gấp 8 lần mức giá TP quy định năm 2012); khu vực có vị trí 1 đường QL2 đi Minh Trí, Xuân Hoà và vị trí 1 đường QL35 được đề xuất mức giá đền bù là 10 triệu đồng (gấp gần 4 lần mức giá quy định năm 2011 và năm 2012).

Thống nhất chỉ hơn gấp đôi

Tuy nhiên, sau khi Sở Tài chính xem xét đề xuất của UBND huyện Sóc Sơn và có sự bàn bạc, liên ngành Sở Tài chính - UBND huyện Sóc Sơn đã thống nhất, trình UBND TP Hà Nội mức giá mới thấp hơn nhiều lần so với đề xuất ban đầu của huyện.

Cụ thể, đối với dự án nhà máy rác thải Nam Sơn, giá bồi thường đối với khu dân cư nông thôn xã Nam Sơn được vận dụng theo đơn giá VT3 đường 35 đi Bắc Sơn, quy định tại Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 là 866.000đ/m2 (gấp gần 2,5 lần so với giá quy định năm 2012)

Đối với dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, liên ngành thống nhất đề xuất áp mức giá bồi thường là 1.500.000đ/m2 (gấp 3 lần mức giá quy định năm 2012)

Còn đối với đất ở vị trí 1 đường QL 2, liên ngành đề nghị áp dụng theo đơn giá VT1 đường QL2 đi Minh Trí, Xuân Hòa và VT1 đường QL35 là 3.120.000đ/m2 (gấp 1,2 lần mức giá quy định năm 2012).

Về phần hỗ trợ, liên ngành thống nhất với đề xuất mà UBND huyện Sóc Sơn, đó là hỗ trợ thuê nhà tạm cư trong lúc chưa tìm được nơi ở mới với mức 500.000đ/nhân khẩu thực tế ăn ở tại nơi bị thu hồi đất/tháng hoặc 1.000.000đ/hộ độc thân/tháng nhưng mức hỗ trợ không quá 3.000.000đ/hộ gia đình/tháng. Thời gian hỗ trợ 3 tháng cộng thêm 6 tháng xây nhà.

Ngoài ra, liên ngành cũng đề nghị mức hỗ trợ bằng tiền tương đương 30kg gạo/nhân khẩu/tháng theo thời giá trung bình ở Hà Nội tại thời điểm hỗ trợ do Sở Tài chính công bố. Thời gian hỗ trợ 9 tháng (trường hợp đã được hỗ trợ ổn định đời sống, ổn định sản xuất do mất từ 30% đất nông nghiệp trở lên không được hưởng chính sách này.

Riêng phần hỗ trợ hạ tầng nơi chuyển đến (bao gồm đường đi, hệ thống thoát nước, đường điện...), đề nghị UBND huyện Sóc Sơn căn cứ vào suất đầu tư hạ tầng hiện có của các dự án tương tự trên địa bàn và giá thu tiền sử dụng đất tái định cư để có phương án cụ thể trình Ban chỉ đạo GPMB TP{ cùng các ngành có liên quan xem xét, báo cáo UBND TP quyết định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia