Top

Đường vành đai chưa rõ khi nào “khép”

Cập nhật 01/03/2012 09:30

Nhận thấy tầm quan trọng của đường Vành đai 2, TPHCM đã quyết tâm khép kín tuyến đường này. Tuy nhiên đến nay, ngành GTVT TP vẫn chưa thể biết được khi nào tuyến đường này được khép kín hoàn toàn.

Vẫn còn “hở” 20 km!

Đường Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, qua cầu Phú Mỹ xuống ngã tư Bình Thái, chạy đến ngã tư Gò Dưa nối vào Quốc lộ 1A, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh.

Đến nay, đường Vành đai 2 vẫn còn “hở” hai đoạn, đoạn thứ nhất từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km); đoạn thứ hai từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km).

Riêng đoạn thứ nhất lại được chia thành 4 dự án nhỏ: cầu Rạch Chiếc 2; đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái; đoạn ngã tư Bình Thái - ngã ba Linh Đông và đoạn ngã ba Linh Đông - nút giao thông Gò Dưa.

Đường vành đai Đông, đoạn từ Liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc 2 vẫn chưa được chủ đầu tư thi công vì thiếu vốn

Hiện nay, một phần đường Vành đai 2 (được gọi là Vành đai phía Đông) đoạn từ nút giao Liên Tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc 2 đang được Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC) thi công với tiến độ rất chậm, chưa biết khi nào hoàn thành.

Đây là một hạng mục nằm trong dự án đường nối cầu Phú Mỹ, trong khi các hạng mục nút giao thông khu A – Nam Sài Gòn, đường nối từ nút giao thông khu A đến cầu Phú Mỹ, đường nối từ cầu Phú Mỹ đến ngã tư Liên Tỉnh lộ 25B – Vành đai phía Đông đã được đưa vào sử dụng gần 2 năm nay thì đoạn đường từ Liên Tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc 2 (dài gần 5,5 km) vẫn còn nham nhở.

Như vậy, cộng cả hai đoạn “hở” phía trên và đoạn đường chưa thi công xong thì đường Vành đai 2 đến nay vẫn còn “hở” gần 20 km.

Mòn mỏi chờ nhà đầu tư

Đường Vành đai 2 đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) xin xây dựng bằng hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Theo ước tính của Petroland, đoạn đường này “ngốn” khoảng 8.300 tỉ đồng.

Tháng 6-2011, UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 đối với hai khu đất tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè để xem xét việc “đổi đất lấy hạ tầng” với Petroland, đồng thời nhà đầu tư này cũng phải xác định phương án tài chính trình UBND TP để xúc tiến nhanh dự án.

Không được “gọn ghẽ” như phần đường trên, đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa trải qua nhiều sóng gió hơn.

Từ năm 2009, PMC đã xin đầu tư cầu Rạch Chiếc 2 và đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái theo hình thức BT và đã được UBND TP nhiều lần bật đèn xanh.

Tuy nhiên, xét thấy việc đầu tư không tiến triển nên đến quý III/2011, Sở GTVT kiến nghị UBND TP để hai dự án này lại cho Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 (Khu 2) làm chủ đầu tư. Theo Sở GTVT, việc đầu tư hai dự án trên theo hình thức BT không hiệu quả, TP cũng không còn quỹ đất sạch để giao PMC khai thác thu hồi vốn.

Với lý do đó, 4 dự án nhỏ trong đoạn “hở” thứ nhất lại “về tay” Khu 2. Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết do tính chất cấp bách và quan trọng đối với giao thông TP nên Sở GTVT đã đề xuất dùng vốn ngân sách để đầu tư.

Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách quá eo hẹp, 4 dự án trên lại “ngốn” quá nhiều tiền nên UBND TP quyết định kêu gọi đầu tư, còn Khu 2 chỉ là đơn vị nắm đầu mối dự án.

Đến nay, mới chỉ có Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) quan tâm đến một trong các dự án trên nhưng đơn vị này vẫn chưa trả lời chính thức có đầu tư hay không, các dự án còn lại vẫn chưa được nhà đầu tư nào để ý đến!

Đường Vành đai 3, 4 mới được phê duyệt

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 4 đường vành đai 1, 2, 3, 4. Tuy nhiên hiện đường Vành đai 1 đã thành đường đô thị, chỉ còn lại đường Vành đai 2, 3, 4.

Hiện TPHCM đang nỗ lực đầu tư khép kín đường Vành đai 2, còn đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào tháng 9-2011.

Theo quy hoạch này, đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh - TP, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng chiều dài tuyến đường này khoảng 89,3 km, rộng 6 - 8 làn xe, vốn đầu tư khoảng 55.805 tỉ đồng.

Riêng đường Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh – TP, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến đường 197,6 km, rộng từ 6 – 8 làn xe, tổng vốn đầu tư 98.537 tỉ đồng.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động