Top

Quỹ nhà ở xã hội: Nên để cộng đồng quản!

Cập nhật 23/04/2009 08:10

Trong đề án về nhà ở xã hội có nói đến cơ chế xác nhận của cơ quan, của chính quyền địa phương... Như vậy là chúng ta đang quay lại cơ chế “xin-cho” trước đây.

Như loạt bài “Kích cầu bằng nhà ở xã hội” Báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng trên ba số trước phản ánh, cơ chế nhà ở xã hội hiện nay rất cần thiết nhưng chưa hoàn thiện. Hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các KCX-KCN thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhưng thực tế họ vẫn phải chờ. Một số dự án nhà ở xã hội đang được triển khai sẽ hoàn thành trong năm 2009, 2010 nhưng chưa rõ ai sẽ được ưu tiên thuê, thuê mua các căn hộ này. Không ít ý kiến lo ngại nếu không công khai, minh bạch thủ tục xét duyệt thuê mua nhà thì coi chừng sự hỗ trợ của nhà nước sẽ rơi vào túi người giàu thông qua đầu cơ, móc ngoặc, tham nhũng. Chúng tôi xin giới thiệu giải pháp của các chuyên gia trong lĩnh vực này để bạn đọc và cơ quan quản lý nhà ở xã hội tham khảo.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Coi chừng quay lại cơ chế bao cấp

Năm 1994, chúng ta có một lát cắt rất kiên quyết từ bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở để đi vào cơ chế kinh doanh trên thị trường. Chính phủ ban hành hai nghị định quan trọng là Nghị định 60/CP và 61/CP để cắt đi bao cấp về nhà ở, mở ra thị trường nhà ở. Đây có thể coi như quyết định bản lề đối với thị trường bất động sản nước ta.

Nghị định 60/CP quy định về quản lý thị trường bất động sản nhà ở, đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở tại đô thị. Nghị định 61/CP quy định về kinh doanh nhà ở và triển khai chính sách nhà nước bán đi hầu hết quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê, đang ở với giá rất ưu đãi. Theo đó, những ai đang thuê nhà, ở nhà của nhà nước thuộc những khu vực vẫn được quy hoạch làm nhà ở thì đều được mua nhà đó. Nhà nước không còn bao cấp về nhà ở nữa, tiến tới không còn quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nữa. Điều đó thể hiện một quyết định rất cương quyết muốn thoát hẳn khỏi cơ chế bao cấp về nhà ở.

Hiện nay, với cơ chế nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, chúng ta thấy vẫn cần một cơ chế trợ giúp của nhà nước về nhà ở trong một phạm vi nhất định. Nếu không cẩn thận, chúng ta lại đang trên con đường quay trở lại với cơ chế bao cấp về nhà ở ngày xưa. Chúng ta lại tạo quỹ nhà ở xã hội, nhà ở công vụ thuộc sở hữu nhà nước là đúng nhưng cách nào để chọn đúng đối tượng được hưởng ưu đãi thì đừng quay lại cách làm đầy bất cập trước đây.

Tuy nhiên, mô hình nhà ở xã hội hiện nay cho thấy có hướng quay lại những gì mà chúng ta đã làm trước năm 1994. Với cơ chế đó, buộc chúng ta sẽ phải đứng trước việc phân phối nhà ở cho ai, bằng cơ chế nào để phân phối. Trong đề án về nhà ở xã hội có nói đến cơ chế xác nhận của cơ quan, của chính quyền địa phương... Như vậy là chúng ta đang quay lại cơ chế “xin-cho” trước đây. Đã “xin-cho” thì ắt sẽ tạo ra tham nhũng, có thể vài năm đầu chưa nảy sinh nhưng một thời gian tiếp theo sẽ xuất hiện như một quy luật.

Theo tôi, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không nên thực hiện việc quản lý quỹ nhà ở xã hội. Việc quản lý nên giao cho cộng đồng là những người có nhu cầu nhà ở xã hội, đã nộp tiền mua nhà. Họ cùng nhau lập nên một hội đồng quản trị để quản lý quỹ nhà theo cơ chế công khai, minh bạch dưới sự giám sát của cả cộng đồng. Nhiều nước gọi đây là hợp tác xã (HTX) quản lý nhà ở. Đây không phải là HTX kinh doanh nhà. Nhiệm vụ của nó là lựa chọn, giám sát đúng các đối tượng thuộc diện được vào nhà ở xã hội. Mỗi quận, huyện hay một vài quận, huyện có thể lập ra một HTX nhà ở. Các đơn vị này có mối liên kết chặt chẽ với nhau tại các tỉnh, thành phố.

Danh sách người có nhu cầu nhà ở xã hội phải công khai. Các thành viên trong HTX trực tiếp quyết định ai là người được ở nhà xã hội. Dùng những người có chung quyền lợi để giám sát lẫn nhau là cách làm hiệu quả nhất để tránh tiêu cực trong việc xét phân nhà, ông Võ phân tích. “Ví dụ, đợt này chỉ có 50 nhà ở xã hội thì những người đứng đầu danh sách sẽ được vào ở trước. Những người đứng sau danh sách đó cũng sẽ truy xem ông này, ông kia ở trên mình có đúng đối tượng hay không, nếu không đúng thì xin mời ông về đúng vị trí hợp lý. Cộng đồng có nhiều tai mắt, họ hiểu hết và biết hết. Mô hình quản nhà ở xã hội thông qua HTX đã rất thành công ở nhiều nước ở trên thế giới.

Ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM:

Gần 700 đơn xin giải quyết nhà ở xã hội

Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đã nhận gần 700 đơn xin được giải quyết nhà ở xã hội. Tôi đã chỉ đạo rà soát xem hồ sơ của cán bộ, công chức của quận, huyện nào thì trả về cho nơi đó. Quận, huyện phải điều tra nhu cầu nhà ở, có chính sách lo về nhà ở của cán bộ, công chức của mình, dành quỹ đất công để làm nhà ở xã hội. Nhu cầu này luôn luôn cần, hết lớp cán bộ này đến lớp khác, ai cũng cần có chỗ ở ổn định nhưng hiện nay chưa thấy ai lo chuyện này.

Cần phải xóa bỏ dần cơ chế bao cấp về nhà ở, chấm dứt hình thức cấp nhà mà chuyển sang thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Các nước xung quanh ta vẫn thế. Hong Kong có 80% là nhà ở xã hội. 90% người dân Singapore ở nhà ở xã hội, chỉ có 10% nhà ở thương mại với giá hơn gấp đôi nhà ở xã hội. Công dân nghèo không có tiền mua nhà ở thương mại thì được thuê nhà ở xã hội, khi nào khá lên thì trả lại.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP