Top

Qui hoạch vùng thay vì mở rộng thủ đô

Cập nhật 06/05/2008 11:00

Đừng lặp lại tư duy tự cung tự cấp

Sau năm 1975, xuất phát từ tư duy tự cung tự cấp, mỗi tỉnh đều phải có nông, lâm, công nghiệp; thành phố phải có vành đai xanh, mỗi huyện là một pháo đài, nên Nhà nước đã tiến hành sáp nhập một số tỉnh thành các tỉnh lớn. Sau đấy, do kham không nổi nên lại tiến hành chia tách tỉnh. Chỉ kể từ năm 1976 đến nay, từ 40 đơn vị hành chính cấp tỉnh đến những năm 1990 trở đi (Quốc hội khóa VIII, IX, X và XI) lần lượt là 53 đơn vị (1989-1995), 61 đơn vị (1996-2002), 64 đơn vị (2003 đến nay).

Phần đất Hà Tây và Vĩnh Phúc lần này Hà Nội định "ôm vào" cách đây hơn 20 năm cũng từng "ôm vào", sau đấy do bất cập lại "nhả ra". Giờ đây lại dự kiến "ôm vào" một cách hoành tráng hơn (!?). Bất cập ngày xưa là gì? Lúc ấy Hà Nội "ôm vào" các đơn vị hành chính thuần nông nên mối lo nông nghiệp, nông dân, nông thôn quá lớn không kham nổi dẫn đến sao nhãng nhiệm vụ quản lý đô thị. Bài học ngày xưa vẫn còn nhãn tiền đã thấm thía đối với đội ngũ lãnh đạo thuở ấy.

Nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đang tốn nhiều công sức, tiền của để khắc phục, chữa "bệnh đầu to", là những đô thị cực lớn. Những đô thị cực lớn này đã gây ra nhiều hệ lụy cho quốc gia. Là người đi sau, chúng ta nên tránh vết xe đổ, kinh nghiệm xương máu của những quốc gia đi trước.

Qui hoạch vùng là giải pháp ưu việt, khả thi

Trên thế giới ngày nay, ngoài phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ truyền thống, người ta quan tâm nhiều đến qui hoạch vùng. Vùng là một khu vực lãnh thổ nằm dưới cấp chính quyền trung ương, nhưng trên cấp chính quyền địa phương (tỉnh).

Cấp vùng có thể tạo cơ hội cho sự tham gia của các chủ thể khu vực tốt hơn so với cấp trung ương hay cấp địa phương. Vùng dễ dàng nắm bắt được những tác động khác nhau của các phương án để chủ động phát triển hay điều chỉnh so với cấp trung ương. Vùng có nhiều lợi thế về tiềm năng, nguồn lực, phương cách hành động đa dạng so với một địa phương. Điểm mạnh này đặc biệt có ý nghĩa trong thời buổi cạnh tranh.

Do yêu cầu của tổ chức không gian kinh tế - xã hội, đất nước được chia ra thành một số vùng lớn. Những loại lãnh thổ như thế thường sử dụng để hoạch định chiến lược phát triển, quyết sách về phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống năng lượng và hệ thống cung cấp nước… Hệ thống đô thị trung tâm, mạng lưới giao thông tuyến trục (nhất là đường cao tốc) và các đầu mối giữ vai trò cửa vào - ra như sân bay, hải cảng và gắn liền với chúng là các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, các hành lang kinh tế... phải được tổ chức hợp lý trên địa bàn vùng.

Hiện nay cả nước ta cũng đã phân thành sáu vùng kinh tế - xã hội: trung du, miền núi Bắc bộ; đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; Tây nguyên; Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng bằng sông Cửu Long (theo văn kiện Đại hội Đảng IX và X).

Ngoài ra, có các tổ chức lãnh thổ khác trên thực tế cũng đã hình thành:

- Vùng động lực hay vùng kinh tế trọng điểm.

- Hành lang kinh tế.

- Đặc khu kinh tế, khu kinh tế phát triển.

- Tam giác tăng trưởng hay phát triển.

Ngoài đặc khu kinh tế và khu kinh tế phát triển có ban quản lý, còn các hình thức tổ chức lãnh thổ khác không có cơ quan quản lý. Rất cần xem cấp vùng là một thực thể hành chính được phân quyền, được luật định có trách nhiệm không chỉ lập qui hoạch phát triển không gian mà còn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều phối mọi hoạt động chung của các chủ thể trong vùng.

Về mặt hình thức, có thể tổ chức hội đồng vùng, bao gồm các tỉnh trong vùng hoặc đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm. Cơ quan thường trực của vùng là ủy ban vùng. Để bảo đảm tính thống nhất của kế hoạch phát triển vùng, kế hoạch phải được các chủ thể trong vùng đồng ý và Chính phủ phê duyệt.

Nếu có ý định mở rộng không gian kinh tế, thiết nghĩ nên theo mô hình tạo nên sự liên kết vùng. Trong sự liên kết này, thủ đô Hà Nội đóng vai trò đầu tàu làm trung tâm cho sự phát triển vùng, gắn kết tạo điều kiện cho công nghiệp hóa vùng nông thôn, nông nghiệp trong vùng, không nhất thiết phải sáp nhập thành một đơn vị hành chính duy nhất. Chúng ta nên suy nghĩ theo hướng qui hoạch thành lập các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội để mở rộng không gian kinh tế hợp lý, đồng thời giảm áp lực cho thủ đô Hà Nội.

Vùng thủ đô Hà Nội bao gồm 8 tỉnh, thành phố

Ngày 5-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt qui hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển thủ đô Hà Nội thành một đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Đến năm 2050, vùng thủ đô Hà Nội sẽ là một trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.

Vùng thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thủ đô Hà Nội và bảy tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình trải rộng trên diện tích khoảng 13.436km2, bán kính ảnh hưởng từ 100-150km. Như vậy, vùng thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp khoảng 13 lần thủ đô Hà Nội hiện nay (diện tích 920,97km2).

Dân số toàn vùng vào năm 2050 khoảng 18-18,2 triệu người, trong đó dân số đô thị tăng nhanh, từ 4,1-4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1-9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4-15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115m2/người.

Vùng thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, lấy thủ đô Hà Nội làm đô thị hạt nhân.

Không gian vùng thủ đô được phân thành hai phân vùng chính là vùng đô thị hạt nhân và phụ cận; vùng phát triển đối trọng.

Vùng đô thị hạt nhân là thủ đô Hà Nội mở rộng. Vùng phụ cận trong phạm vi 25-30km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, lan tỏa sự phát triển giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận...(Website Chính phủ)