Top

Ông lớn Kinh Đô dính vụ đất vàng 5.000m2 Sài Gòn: Kẻ đến sau, vướng lùm xùm

Cập nhật 17/05/2018 13:16

Bán thương hiệu hàng đầu Việt Nam ở lĩnh vực “không có cửa”, đại gia thực phẩm Kinh đô (Kido) đã quay sang tương ớt, mì tôm, dầu ăn và cả bất động sản với những khu đất vàng.

Đại hội đồng cổ đông 2018 của CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC) của anh em Trần Kim Thành đã thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài tại KDC lên 100% và ủy quyền cho HĐQT thực hiện thủ tục cần thiết. Nội dung này đã được thông qua tại Đại hội 2017 nhưng vì một số lý do khách quan chưa hoàn tất được.

Một chiến lược quan trọng tiếp tục được ĐHĐCĐ KIDO Group thông qua là mua bán sáp nhập (M&A) và hợp tác, thâm nhập vào các ngành hàng mới để thực hiện tham vọng lấp đầy gian bếp Việt.

Trong năm 2017, KDC của ông Trần Kim Thành đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC), doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu ăn, lên 51% sau hơn 2 năm theo đuổi.

Vocarimex sở hữu hệ thống các công ty con và công ty liên kết đều chiếm thị phần lớn trong ngành như Dầu ăn Tường An (TAC), Dầu thực vật Cái Lân, Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, và Thực vật Tân Bình.

Anh em nhà Kinh Đô Trần Kim Thành (trái) và Trần Lệ Nguyên

KDC mở rộng thị phần mảng kem lên trên 40%, IPO và đưa KIDO Foods (KDF) lên Upcom,... và lấn sang phân khúc thực phẩm tươi sống, đông lạnh và đồ hộp với việc mua lại 50% cổ phần Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco.

Bánh kẹo làm nên thương hiệu Kinh Đô trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, năm 2015, Kinh Đô đã bán đi mảng kinh doanh này cho tập đoàn bánh kẹo hàng đầu Mỹ Mondelēz International thu về 8.000 tỷ đồng để lấy tiền “cho các thương vụ M&A trong ngành thực phẩm thiết yếu”.

Không chỉ mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm,Kido còn lấn sang bất động sản.

Tại ĐHCĐ, về dự án BĐS tại số 8-12 Lê Duẩn (TP.HCM), đại diện Kido tiến hành phương án và có thể sẽ hợp tác đầu tư vào quý III/2018. Giá đất từ thời KDC đầu tư với giá hiện nay đã tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, mảnh đất vàng gần 5.000m2 gần đây bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi và thực hiện bán đấu giá theo quy định do trước đây bán rẻ cho Công ty TNHH Đầu tư Kido. Công ty TNHH Đầu tư Kido là một cổ đông lớn của Tập đoàn Kinh Đô. Mảnh đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn có 3 mặt tiền trung tâm quận 1, TP.HCM, thuộc sở hữu Nhà nước, được bán với giá hơn 700 tỷ đồng.


Khu đất này trước đó do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc: Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO).

Bốn công ty trên lập ra CTCP Đầu tư Lavenue và tới năm 2010 đã chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô. Năm 2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Như vậy, dù là người đang trực tiếp than gia nắm giữ để triển khai dự án nhưng Kido lại là người đến sau, không phải là người tham giá từ đầu việc mua bán lùm xùm quanh mảnh đất vàng này.

Giá cổ phiếu KDC trong khoảng 4 tháng qua giảm mạnh, từ mức 45.000 đồng/cp xuống 35.000 đồng/cp như hiện tại.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) áp lực chốt lời vẫn còn lớn, thanh khoản đứng ở mức thấp.

Trong phiên 16/5, dòng tiền tháo chạy đã khiến VN-Index giảm gần 19 điểm. Hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành đều giảm, như: Vingroup (VIC), Vincom Retial, VietJet (VJC), Vinamilk (VNM), Hòa Phát (HPG), Bảo Việt (BVH), Masan (MSN),... Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tài chính cũng giảm điểm.

Chỉ có nhóm dầu khí còn giữ được sắc xanh.

Hầu hết các công ty chứng khoán đều dự báo TTCK vẫn đang trong thời kỳ lình xình, cần thời gian để xác lập mặt bằng mới.

BVSC cho rằng, tăng khoản thấp khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến lình xình, với các phiên tăng, giảm đan xen trong các phiên sắp tới.

SHS cho rằng, triển vọng thị trường vẫn chưa có sự khởi sắc và những nhịp hồi phục chỉ nên là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu danh mục về trạng thái an toàn. Còn BSC cho rằng, thị trường sẽ không tránh khỏi các phiên rung lắc.

Kết thúc phiên giao dịch 16/5, VN-index giảm 18,88 điểm xuống 1.054,625 điểm; HNX-Index giảm 2,16 điểm xuống 121,49 điểm. Upcom-Index giảm 0,07 điểm xuống 55,93 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,7 ngàn tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet