Top

Đất ở 3 đặc khu vẫn phức tạp

Cập nhật 06/04/2018 08:43

Do chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm, tình trạng chuyển nhượng ngầm, lấn chiếm, mua bán đất trái phép tại 3 khu vực dự kiến lên đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo về tình hình quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước; tình hình quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là đặc khu kinh tế) gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Chuyển nhượng tràn lan

Báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ từ khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tình hình chuyển nhượng đất đai ở các địa phương này tăng đáng kể.

Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh, năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) với tổng diện tích 258,8 ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất; trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh với 1.859 trường hợp chuyển nhượng QSDĐ với diện tích 356 ha và 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó chủ yếu là đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Vân Đồn, năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng QSDĐ. Con số này tăng lên 1.625 trường hợp trong năm 2017 và 519 trường hợp trong quý I/2018. Còn tại huyện Phú Quốc, từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-4-2018 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng QSDĐ với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng QSDĐ, với tổng diện tích 699,96 ha.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tình trạng vi phạm sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến lên đặc khu nói trên diễn ra phức tạp trong thời gian dài. Đặc biệt tại Phú Quốc, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai (nhất là đất rừng), mua bán trao tay đất không có giấy tờ và san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp... diễn ra tràn lan.


Việc giao dịch mua bán đất ở Phú Quốc vẫn diễn ra nhộn nhịp - Ảnh: Hoàng Tuấn

Chưa quyết liệt ngăn chặn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa qua, Thủ tướng và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến lên đặc khu kinh tế. Tỉnh ủy và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang cũng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý, xử lý vi phạm.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để quản lý và ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất đai trái pháp luật; chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai ở huyện Vân Đồn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm. Kết quả bước đầu, Quảng Ninh đã thu hồi 10 dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm pháp luật với tổng diện tích trên 350 ha; thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án chưa được giao đất. Trong quý I/2018, tỉnh tiếp tục xử lý 51 trường hợp tự ý san lấp đất lâm nghiệp, nông nghiệp trái phép; dừng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của 29 trường hợp; trục xuất ra khỏi địa bàn huyện 13 sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hành nghề. UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang cũng đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh và huyện Phú Quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá tình trạng chuyển nhượng đất ngầm đang còn diễn ra ở các khu vực trên nhưng vẫn chưa được phát hiện kịp thời, nhất là tại Bắc Vân Phong và Phú Quốc. "Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do chưa quyết liệt và kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng giao dịch đất đai không đúng quy định tại địa phương; chưa kịp thời xử lý tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường tại địa phương" - ông Hà nhận định.

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Dự kiến ngày 15-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nhằm chấn chỉnh tình hình, tăng cường công tác quản lý đất đai ở 3 địa phương trên, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ