“Tại sao lại ra một luật về đặc khu kinh tế mà trong đó chỉ định rõ luôn là 3 đặc khu kinh tế (ĐKKT) Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nếu làm một luật để tạo khuôn khổ chung, có lẽ không nên đưa ra định danh là nơi nào làm. Quốc hội nên đưa ra những chính sách riêng cho ĐKKT và để chính phủ tự lựa chọn. Nếu cần chính phủ có thể đề xuất với quốc hội từng trường hợp một”.
Bàn tiếp về đặc khu kinh tế, Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Kinh nghiệm Thẩm Quyến
Khi chưa có đủ niềm tin để áp dụng rộng rãi những chính sách mới theo thị trường, ông Đặng Tiểu Bình cho lập một ĐKKT và áp dụng những chính sách tốt cho một nơi mà trước đấy chỉ là một bãi rác.
Trên thực tế, nhà đầu tư đã chọn lựa Thẩm Quyến, vì vị trí gần với Hồng Kông một trung tâm phát triển rất lớn. Hơn nữa, vì vùng này chưa có gì, thiết kế hạ tầng cần thiết cho phát triển được thiết kế theo yêu cầu của nhà đầu tư. ông Đặng kỳ vọng, với những chính sách tốt, vị trí của Thẩm Quyến sẽ được phát huy..
Từ thành công của Thẩm Quyến, Trung Quốc áp dụng rộng rãi ra các nơi khác, và thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư của người Hoa từ bên ngoài về, và kéo đất nước họ phát triển.
Sau này, người ta đúc kết rằng điều đầu tiên Thẩm Quyến có được là những tác động về thể chế, là nơi thử nghiệm về thể chế thành công. Và thành công đó đã lan tỏa đến các khu vực khác, như Thượng Hải, Sán Đầu…
Yêu cầu thể nghiệm thể chế mới với Việt Nam
Việt Nam bây giờ đang ở giai đoạn 2 của đổi mới. Việt Nam có ý tưởng về ĐKKT trong bối cảnh đất nước tham gia thị trường quốc tế rất mạnh mẽ.
Vì vậy, thử nghiệm về thể chế của Việt Nam là phải áp dụng hệ thống thể chế mới theo cam kết của các FTAs, ví dụ như những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, lao động, tính minh bạch của bộ máy chính quyền, việc tham vấn người dân, tham vấn doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định, hay yêu cầu dỡ bỏ những hàng rào hành chính, thực hiện thông quan nhanh…
Khi hỏi những nhà đầu tư nước ngoài thành công rằng họ thấy Việt Nam hấp dẫn nhất về cái gì, họ luôn nói đó là nguồn nhân lực và Việt Nam là nơi kinh doanh tốt nhờ mở cửa thị trường và tạo cơ hội cho họ tiếp cận nhiều thị trường bên ngoài, chứ không phải câu chuyện ưu đãi.
Ông Nguyễn Mại, một quan chức có nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI đã nói trong một cuộc họp rằng, khu công nghệ cao (CNC) chỉ có thể tập trung vào những đô thị lớn, ở đấy là nơi tập trung trí thức nhiều, tinh hoa nhiều và có lực lượng lao động có kỹ năng cao để nhà đầu tư tuyển dụng, hay cộng tác.
Ông dẫn chứng, Samsung đã phát triển các khu lắp ráp điện thoại di động, ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, nhưng trung tâm nghiên cứu xử lý, giám định sản phẩm, họ chọn làm tại Hà Nội. Khâu Nghiên cứu & Phát triển (R&D) họ lại chọn TP HCM.
Bây giờ Việt Nam lập ra đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, hay Phú Quốc, liệu các nhà đầu tư CNC có qua đấy không hay họ tiếp tục chọn TP HCM, Hà Nội, hoặc thậm chí Đà Nẵng?
Trong hơn 4000 ĐKKT trên thế giới, có bao nhiêu nơi cạnh tranh bằng casino và mại dâm?
Trong hơn 4000 ĐKKT trên thế giới, có bao nhiêu nơi cạnh tranh bằng casino? Do vậy chọn Casino làm bàn đạp là điều rất cần cân nhắc thận trọng, bởi gần với Vân Đồn- Quảng Ninh đã có Ma Cao, trung tâm đánh bạc lớn của thế giới, và đã thành công. Nhưng vài năm gần đây, không chỉ Ma Cao mà cả Las Vegas ở Mỹ cũng đang có chiều hướng suy giảm, vì đánh bạc công nghệ cao đang phổ biến.
Trong thực tế, mặc dù chưa phải là ĐKKT nhưng tiềm năng phát triển du lịch du lịch ở Quảng Ninh và Phú Quốc đã phát triển rồi. Sắp tới, nếu thành ĐKKT, 2 nơi này sẽ có thêm những ưu đãi về bất động sản, nghỉ dưỡng, hay vui chơi giải trí. Vậy liệu casino và mại dâm có thực sự cần không?
Không có tác dụng lan tỏa
Cả 3 khu vực đang được chọn làm ĐKKT đều không có tác dụng lan tỏa. Thứ mà Việt Nam đang muốn tập trung phát triển là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp.
CNTT hiện nay đang trải khắp đất nước. CNTT tạo thành sức mạnh vật chất giúp cho các ngành phát triển lên, chứ không phải phát triển cho bản thân để bán sản phầm phần mềm ra nước ngoài. Và đầu tư và ứng dụng CNTT không thể chỉ trong các ĐKKT dự kiến này, mà phải dựa trên các trung tâm lớn như Hà Nội và TP HCM, và mới đây là Đà Nẵng và Cần Thơ, và từ đó lan tỏa ra khắp nước.
Vân Đồn không thể thay thế Vịnh Hạ Long
Ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh có thêm Vân Đồn là rất tốt, nhưng nói Vân Đồn thay thế Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên của thế giới – để trở thành điểm thu hút du lịch lớn nhất Quảng Ninh thì e là hơi bốc đồng quá.Vân Đồn chỉ có thể phát triển khi đi theo Hạ Long thôi.
Còn Phú Quốc là một hòn đảo, nên khả năng kết nối với tỉnh Kiên Giang, hay rộng hơn đồng bằng sông Cửu long để lan tỏa cũng hoàn toàn không có. Đó là chưa nói loại hình du lịch ở Phú Quốc hoàn toàn khác với loại hình du lịch của đồng bằng sông Cửu long, vốn gắn với nông nghiệp và sinh thái.
Với Vân Phong càng không phải là nơi để làm du lịch, bởi vì Vân Phong nằm bên cạnh Nha Trang, gần Bình Định, và một chuỗi tỉnh miền Trung có khả năng du lịch. Nếu cần phải lấy một điểm là trung tâm du lịch của miền Trung để từ đó lan tỏa, nên chọn Đà Nẵng, hoặc Nha Trang. Còn Vân Phong nên đầu tư thành một cảng trung chuyển, hỗ trợ cho cảng trung chuyển ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Không có thế mạnh nông nghiệp
Vân Đồn - Quảng Ninh không phải là vùng nông nghiệp. Đồng bằng sông Hồng tập trung ở các tỉnh ven và xung quanh Hải Phòng, với cảng Hải Phòng là nơi vận chuyển. Từ Hải Phòng đi Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, hay Bắc Giang, đều tiện, và Hải Phòng kết nối các khu vực nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng với nhau. Muốn tìm nơi để làm trung tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở miền Bắc, Vân Đồn không phải là cái nơi đáng chọn.
Vân Phong cũng vậy. Khu vực miền Trung không phải là nơi trọng tâm phát triển nông nghiệp vì bị khô hạn và bão tố liên miên.
Phú Quốc có thể phát triển một số sản phẩm về hải sản, hay nông sản, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch ở Phú Quốc thôi, chứ không phải đầu tàu để phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi vậy, nếu có thể hãy biến TP HCM, hoặc một phần của nó, thành ĐKKT. Điều này sẽ mang lại được lợi ích ngay, nhiều và sớm. Và TP HCM còn có sức lan tỏa sang các vùng xung quanh.
Hà Nội là lựa chọn thứ hai, với những điều kiện như TP HCM, nhưng ở mức thấp hơn một chút.
Để giải quyết vấn đề hạ tầng ở TP HCM và Hà Nội, nhà nước chỉ mất một phần trong con số triệu tỷ dự kiến đầu tư vào 3 ĐKKT nói trên, mà kết quả thu được tăng gấp bội.
Điều quan trọng hơn cả là TP HCM và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm của những ngành cao cấp hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, như sản xuất CNC, dịch vụ giáo dục và y tế… đồng thời tạo sức lan tỏa kéo theo các vùng xung quanh.
Hai nơi này mà cất cánh, cả nền kinh tế sẽ cất cánh theo.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: