Có ba vấn đề cần phải làm rõ nếu không khó tránh khỏi những nghi ngờ móc nối, lợi ích nhóm trong chủ trương giao đất tái định cư tại Nha Trang
Ngày 31/8, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang khẳng định, việc giao đất vàng cho ba cán bộ lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa là đúng quy định, hoàn toàn minh bạch, rõ ràng.
Khu đất vàng mặt tiền đường Phạm Văn Đồng nằm ven biển Nha Trang được giao cho ba lãnh đạo đầu ngành theo nguyện vọng của họ. Ảnh: PLO
Ba lô đất được giao cho các cán bộ ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, tại dự án cơ sở hạ tầng khu dân cư tổ 32-33 Vĩnh Thọ (dự án Vĩnh Thọ).
3 cán bộ nhận được đất gồm: Giám đốc Sở TN-MT Võ Tấn Thái, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Hà, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đặng Đình Quyền.
Theo ông Toàn, mục đích chính của dự án khu dân cư Vĩnh Thọ là đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư. Sau khi bố trí tái định cư đối với các trường hợp người dân thuộc dự án đủ điều kiện, UBND TP Nha Trang đã giao đất trên cho ba cán bộ lãnh đạo.
Ông Toàn khẳng định, việc giao đất là theo đúng giá thị trường và đúng quy định.
Cụ thể, tại thời điểm giao đất, mức giá bán cho cán bộ được áp dụng theo hệ số K.
"Quy định trong Luật đất đai cũng không có quy định cụ thể mức giá thị trường ở đây là mức giá nào, tuy nhiên, thông báo của Tỉnh ủy về chủ trương giao đất cho cán bộ có ghi rõ là áp dụng hệ số K (K=2,5). Việc này rất là rõ ràng, không có gì nhập nhèm, thiếu minh bạch ở đây.
Hơn nữa, một lô đất chỉ khoảng hơn 50m2, diện tích rất nhỏ, số tiền mua đất cũng không lớn, vì thế, cán bộ hoàn toàn có thể vay mượn bà con, họ hàng để mua chứ không nhất thiết là phải có hàng mấy chục tỷ, phải có nhiều tiền mới mua được", ông Toàn lý giải.
Giá thị trường là...
Về vụ việc trên, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Việt Nam chỉ ra nhiều vấn đề phải quan tâm.
Trước hết, ông Kiêm đặt câu hỏi liên quan tới chủ trương đất tái định cư lại được giao cho cán bộ thì phải thực hiện như thế nào?
"Đầu tiên phải khẳng định mọi việc thực hiện đầu xuất phát từ quan điểm công khai, minh bạch, bắt đầu tư chính sách cho tới những người có liên quan trong quá trình thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, nếu đã gọi là đất tái định cư thì chỉ những người dân có đất nằm trong diện bị giải phóng mặt bằng, phải chuyển sang nơi mới, thì mới cần tái định cư. Cán bộ, rất ít có khả năng nằm trong diện phải tái định cư.
Như vậy, việc đầu tiên là phải làm cho rõ ràng ai là người thuộc diện tái định cư? Tái định cư có đúng tiêu chuẩn hay không? Có hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn ở đây không?", TS Cao Sỹ Kiêm băn khoăn.
Thứ hai, ông Cao Sỹ Kiêm nói thẳng, nếu diện tích đất trên đã thuộc diện tái định cư nghĩa là không thể áp dụng theo giá thị trường. Đất tái định cư là đất dành để ưu tiên cho những người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, mức giá rẻ gần như cho, vì thế, không ai có thể đặt ra mức giá thị trường trong trường hợp này.
Trong quá trình thực hiện, chi phí xây dựng, đầu tư hạ tầng, phí, thuế cũng được tính với mức ưu đãi nhất, vì thế, nếu không cẩn thận thì tái định cư cho người dân nhưng cuối cùng cán bộ lại được lợi.
Thứ ba, ông Kiêm đề nghị làm rõ việc tham gia của 3 cán bộ trên các cấp lãnh đạo tại UBND TP Nha Trang có biết không? Khi biết thì đã đối chiếu với các chính sách, quy định cụ thể để xử lý thế nào hay phải đợi khi dân phát hiện thì mới biết?
"Đó là ba vấn đề cần phải làm rõ nếu không khó tránh khỏi những nghi ngờ về tính minh bạch, có dấu hiệu bắt tay, lợi ích nhóm. Không thể để tái định cư cho người dân nhưng đất lại giao cho cán bộ", ông Kiêm nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: