Kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về vấn đề quy hoạch xây dựng (QHXD) và quản lý QHXD ở 6 địa phương trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy rất nhiều vấn đề: tỷ lệ vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng diễn ra phổ biến, nhất là ở các huyện ngoại thành; quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn chưa được thực hiện, gây khó khăn cho phát triển KT-XH.
Bên cạnh đó, đấu nối giữa khu dân cư với khu đô thị mới gặp khó khăn bởi hạ tầng không đồng bộ… Việc khắc phục những tồn tại này đặc biệt có ý nghĩa khi Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh; khu vực nội đô từng bước được mở rộng.
Quy hoạch từ xã lên phường - kiên quyết không phát triển công nghiệp
Việc mở rộng vùng nội đô Hà Nội là nhu cầu tất yếu. Thế nhưng, việc chuyển huyện thành quận và xã thành phường không hề đơn giản bởi nhiều lý do về cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt, đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí… Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh, việc chuyển đổi từ xã hội nông thôn thành đô thị hết sức khó khăn bởi QHXD đô thị khác hẳn với QHXD nông thôn. Do vậy, ngay ngày đầu thành lập (1-3-2003), quận đã xác định quy hoạch đô thị là một trong 3 nhiệm vụ ưu tiên.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Đức Bảo cho biết, qua quá trình triển khai, quận công khai quy hoạch, tôn trọng tối đa cái cũ (cơ sở hạ tầng làng, xã) song song với quy hoạch mới, bảo đảm đồng bộ về hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nước, cống ngầm, vệ sinh môi trường… Trong đó, kiên quyết không quy hoạch phát triển công nghiệp. Theo ông Vũ Đức Bảo, 5 đến 6 năm nữa, quận Long Biên sẽ hình thành những tuyến đường mà 2 bên là nhà công cộng, gồm khu đô thị, dịch vụ - thương mại, văn phòng cho thuê…
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tuân thủ chặt chẽ QHXD nên từ khi thành lập đến nay, tỷ lệ cấp phép xây dựng của Long Biên tăng đáng kể, từ chỗ gần như người dân không có thói quen xin phép xây dựng thì đến năm 2008 đã đạt 95%. Kinh nghiệm của Long Biên rất có ích cho một số địa phương như Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai... áp dụng. Đặc biệt là TP Hà Đông, tới đây sẽ thành quận nội thành và có 7 xã chuyển thành phường thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước để phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Khớp nối giữa điểm dân cư và khu đô thị mới: quá khó
Thực trạng này thực sự trở thành vấn đề bức xúc của những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP Hà Đông, quận Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì… Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh cho biết, việc khớp nối hạ tầng như hệ thống nước sinh hoạt, đường giao thông, cống rãnh giữa khu đô thị mới và các điểm dân cư làng, xóm hết sức khó khăn; có nơi khu đô thị mới cao hơn điểm dân cư tới gần 1m, gây khó khăn cho người dân định cư ở các khu dân cư cũ.
Một số chuyên gia nhận định, việc xác định cốt san nền các dự án, cao độ mặt đường chênh quá nhiều so với cốt hiện trạng của khu vực dân cư, công trình cũ hiện có; số liệu về kỹ thuật, lộ giới, chỉ giới đường đỏ các tuyến đường liên quan đến cấp phép xây dựng cũng chưa được bàn giao cho địa phương…
"Nóng" vấn đề lấn chiếm đất công xây dựng trái phép
Vỡ quy hoạch có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là công tác quản lý QHXD không tốt. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho rằng, việc quản lý mốc giới những dự án đã có quy hoạch chưa rõ ràng; tình trạng dự án "treo" 3 đến 4 năm… là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công xây dựng trái phép. Ngoài ra, những địa phương chưa có quy hoạch cũng là "miếng mồi" ngon cho vi phạm. Điều này lý giải vì sao ở Thạch Thất có nhiều dự án lớn của Trung ương, Hà Nội và của chính địa phương như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia, Khu công nghiệp Bắc Phú Cát, Cụm công nghiệp Bình Phú… đã bị người dân tái lấn chiếm, gây bất bình trong dư luận. UBND huyện cho biết, từ tháng 10-2007 đến tháng 12-2008 huyện đã ra quyết định đình chỉ, cưỡng chế giải tỏa 23 trường hợp sai phạm.
Chủ tịch UBND xã Dương Nội, TP Hà Đông Lê Khánh Đồng tiết lộ, số trường hợp vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn xã lên đến gần 1.500 trường hợp với diện tích khoảng 31ha.
Tình trạng xây dựng không phép cũng diễn ra tràn lan ở các huyện ngoại thành. Ngay huyện Từ Liêm cận kề nội thành từ năm 2005 đến 2008, qua kiểm tra 51 dự án, huyện đã phải ban hành tới 79 quyết định xử phạt; kiểm tra 3.053 nhà ở riêng lẻ thì có 2.101 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là xây dựng trái phép và không phép. Ở TP Sơn Tây, kiểm tra 1.741 trường hợp, có tới 1.148 vụ vi phạm. Các xã của huyện Mỹ Đức thì hầu hết người dân xây dựng không xin phép.
Lý giải thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang thừa nhận do buông lỏng quản lý từ phía chính quyền, mặt khác xuất phát từ việc chưa có quy hoạch chung và quan niệm "đất cha ông để lại" của người dân.
Những tồn tại trong QHXD và quản lý QHXD ở các địa phương cần được nhanh chóng chấn chỉnh, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim cả nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: