Top

Những dự án tỉ đô

Cập nhật 14/04/2008 10:37

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đến và cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào miền Trung, chủ yếu là các dự án bất động sản (BĐS). Liệu miền Trung có khai thác được cơ hội từ các dự án khổng lồ này?

Chỉ tính riêng Đà Nẵng, theo ông Lâm Quang Minh - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC Đà Nẵng), hiện toàn bộ đất "vàng" Đà Nẵng đã có chủ. Chính quyền TP Đà Nẵng đã "lắc đầu" với nhiều NĐT BĐS vì lý do hết đất...

Vốn đầu tư tăng từng ngày

"NĐT nước ngoài đầu tiên đến Đà Nẵng đặt vấn đề kinh doanh BĐS là Tập đoàn Indochina Capital (Hong Kong) với 25 triệu USD cho dự án đầu tư khu phức hợp thương mại dịch vụ - văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp" - bà Mai Thị Hải Châu, phó phòng xúc tiến dự án thuộc IPC Đà Nẵng, cho biết.

Vào thời điểm ấy, năm 2004, dự án của Indochina Capital được xem là dự án BĐS mạo hiểm khi dám đầu tư vào một địa phương  có số dân không quá 850.000 người nhưng diện tích đô thị lại mở rộng lên gấp ba lần chỉ trong một thời gian ngắn. Đến tháng 4-2008, TP Đà Nẵng đã có không dưới 20 dự án đầu tư BĐS du lịch trong và ngoài nước được cấp phép với tổng vốn lên đến hơn 1,2 tỉ USD, cùng hàng nghìn tỉ đồng VN.

Tương tự, tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam cũng đã cấp phép cho 20 NĐT BĐS, chủ yếu là trong nước, với vốn đăng ký khoảng 4.000 tỉ đồng, dưới dạng đầu tư hạ tầng rồi khai thác quĩ đất.

Danh sách các dự án lớn đầu tư vào khu vực này gần đây đã xuất hiện các tên như FPT, Tân Tạo, Phong Phú... Trong đó, dự án xây dựng Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (FPT city Đà Nẵng) tại quận Ngũ Hành Sơn với số vốn 925 triệu USD.

Giải thích cho lựa chọn đầu tư vào khu vực miền Trung, ông Brook Taylor - giám đốc điều hành VinaCapital (đơn vị đang triển khai đầu tư ba dự án tại Đà Nẵng, Hội An... với số vốn lên đến 800 triệu USD) - chia sẻ: "Chúng tôi đầu tư vào miền Trung vì muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và nhìn thấy tiềm năng lớn nơi đây. Mặt khác, giá đất của Hà Nội và TP.HCM đã quá cao. Đà Nẵng hay Nha Trang đang là những lựa chọn của chúng tôi".

Có hay không những dự án... "xí phần"?

Tuy nhiên, trước tình hình đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực BĐS du lịch hiện nay, đã có không ít chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo nếu khu vực này không làm tốt công tác qui hoạch sẽ dẫn đến "bội thực" và chồng chéo các dự án.

Thực tế cho thấy có không ít dự án còn "trùm mền", phần vì triển khai chậm, phần vì "xí chỗ" chờ cơ hội sang nhượng hưởng chênh lệch. Dọc bãi biển thuộc loại đẹp nhất miền Trung, chừng hơn 15km từ Sơn Trà đến Non Nước hiện chỉ là những dải cát trắng. Cũng có một vài nơi người ta đang hối hả xây dựng. Thế nhưng chỉ trên bản đồ qui hoạch, tất cả khu đất này đã có chủ. Dự án Vegas ở Ngũ Hành Sơn là một trong nhiều dự án chậm triển khai, sau đó phải chuyển lại cho chủ đầu tư khác.

Tại Quảng Nam, tình trạng "xí phần" cũng khá nhiều. Hàng loạt dự án du lịch chạy dọc bờ biển từ Điện Bàn đến Hội An dù đã được cấp phép từ khá lâu nhưng diện mạo nơi đây khác xa với những gì trên bản vẽ mà NĐT lập khi trình dự án.

Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam cho biết năm vừa qua, trong 29 dự án có đến tám dự án đã buộc bị thu hồi và chuyển giao cho NĐT khác vì chậm triển khai. Với 12 dự án còn lại, buộc phải dùng biện pháp mạnh là NĐT phải ký quĩ cho dự án của mình. Tuy vậy cũng chỉ có 9/12 NĐT ký quĩ.

Tại Thừa Thiên - Huế, trong số 28 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hiện có tám dự án liền kề chạy dọc bờ biển đang trong tình trạng triển khai cầm chừng. Ông Hồ Sĩ Nguyên, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, xác nhận: "Trong số 28 dự án đã cấp phép, một nửa mới đang trong giai đoạn... chuẩn bị khởi công".

Phải tranh thủ nguồn lực

Theo ông Brook Taylor, việc phát triển ở VN không chỉ dừng lại ở những TP lớn như TP.HCM hay Hà Nội mà khu vực miền Trung tiềm năng phát triển còn rất lớn, vì vậy cần tranh thủ nguồn vốn hiện nay để đẩy nhanh tốc độ phát triển. "Tôi đến Đà Nẵng lần đầu tiên cách đây trên mười năm và lúc đó nó như một TP ngủ quên, còn bây giờ mọi chuyện đã khác, thay đổi rất nhanh và đầy cơ hội làm ăn" - ông Brook Taylor nhấn mạnh.

Và những nơi như miền Trung là một lựa chọn tốt. Nhìn ở góc độ NĐT lâu dài, Brook Taylor cho rằng: "Trong 5-10 năm nữa, Đà Nẵng sẽ rất phát triển. Nơi đây sẽ là một địa điểm hấp dẫn về công nghệ thông tin, dịch vụ y tế, hạ tầng du lịch... vì có nhiều NĐT đang đổ về đây" . Theo các chuyên gia về đầu tư, trước mắt vốn sẽ đổ vào BĐS, nếu các địa phương "hấp thu" tốt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, dòng vốn sẽ tiếp tục đổ vào các lĩnh vực khác để khai thác tiềm năng và thế mạnh khu vực này.

Vùng đất của những dự án lớn

Một số dự án lớn đầu tư vào Đà Nẵng: dự án khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn tổng vốn đầu tư 78,1 triệu USD; dự án khu đô thị Capital Square 325 triệu USD; dự án khu đô thị Đa Phước 250 triệu USD.

Ngoài ra, có bảy dự án của NĐT trong nước. Tại Quảng Nam, tính đến cuối năm 2007 đã có 29 dự án du lịch chạy dọc các bãi biển Điện Bàn - Hội An đã được cấp phép...

Nhiều nhà đầu tư "khăn gói" đến Đà Nẵng

Tập đoàn Oak Tree (Hoa Kỳ) vừa đặt vấn đề với Đà Nẵng xin đầu tư 5 tỉ USD cho dự án du lịch mang tên Sunrise (Mặt trời mọc) tại Làng Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu) với khu nghỉ dưỡng cao cấp, bến du thuyền, cáp treo, sân golf, casino... Tập đoàn Damac (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cũng đề nghị đầu tư khoảng 1 tỉ USD cho hệ thống các khách sạn, biệt thự cao cấp tại khu vực phía nam sân golf Hòa Hải (Q.Ngũ Hành Sơn).