Các dự án thuộc lãnh thổ Hà Nội mở rộng do Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình cấp phép trước đây có thể được giữ nguyên nếu phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng vùng thủ đô
Thứ trưởng bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính vừa có báo cáo số 1 gửi thủ tướng chính phủ liên quan đến việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng có diện tích lớn hơn 20 ha trong phạm vi Hà Nội mở rộng. Theo đó, các dự án thuộc lãnh thổ Hà Nội mở rộng do ba tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hoà Bình cấp giấy phép trước đây, phần lớn sẽ được giữ nguyên vì phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng vùng thủ đô.
Hiện Hà Tây đã phê duyệt cho 88 dự án, đang xem xét 51 dự án và nghiên cứu 41 dự án. Tổng cộng, tỉnh này có 180 dự án (khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dự án du lịch). Tương tự, Vĩnh Phúc đã phê duyệt 20 dự án và đang chờ phê duyệt cho 12 dự án khác ở huyện Mê Linh; tỉnh Hoà Bình cũng đã phê duyệt 21 dự án và chờ phê duyệt cho 12 dự án huyện Lương Sơn. Riêng Hà Nội chưa có số liệu.
Theo thứ trưởng Trần Ngọc Chính, việc thẩm định và phê duyệt các dự án thuộc địa bàn ba tỉnh trên về cơ bản đã tuân thủ các quyết định được thủ tướng chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, ông Chính cũng lưu ý, trong quá trình rà soát tiếp theo, nếu thấy dự án nào không phù hợp với định hướng phát triển của thủ đô mở rộng, bộ xây dựng sẽ báo cáo thủ tướng quyết định. Dự kiến, báo cáo lần thứ hai sẽ trình thủ tướng ngày 9.5 tới. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Hà Nội nhanh chóng lập số liệu các dự án để bộ này báo cáo với thủ tướng trong tháng 5.2008.
Tại buổi giao ban giữa thường trực chính phủ và chính quyền Hà Nội ngày 16.4, Hà Nội đã bị phê bình về sử dụng đất đai. Thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết các đơn vị trên địa bàn thủ đô đang sử dụng sai mục đích và để lãng phí tới 3,6 triệu m2, trong số này 2,1 triệu m2 thuộc về 279 cơ quan trung ương.
Hiện khu vực phía Tây của Hà Nội đang “bùng nổ” các dự án bất động sản. Trên trục đường Phạm Hùng thuộc khu vực Mỹ Đình đang triển khai dự án tổ hợp toà nhà trị giá hơn 1 tỉ USD của tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc), tổ hợp Orix Plaza trị giá 235 triệu USD của Vigracera, toà tháp CEO của Vinaconex.
Ở đường Trần Duy Hưng, dự án khách sạn Hanoi Plaza đang được công ty Charmvit (Hàn Quốc) triển khai; trên đường Lê Đức Thọ, tổ hợp Crown Plaza do công ty Trần Hồng Quân xây dựng cũng đang diễn ra. Tại khu vực Mỹ Đình, tổ hợp khách sạn, căn hộ của tập đoàn Riviera Nhật Bản; tháp Apex 27 tầng của công ty Cavico; tổ hợp Taisei cũng đang được gấp rút triển khai.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: