Top

Nhộn nhịp "cò lô" thuê mặt bằng bán hoa Tết

Cập nhật 30/01/2010 09:35

Để giải quyết nhu cầu kinh doanh hoa Tết tăng hơn 40%, UBND TP.HCM đã phải "nhượng bộ" duyệt bổ sung 800 lô mặt bằng nữa cho các chợ hoa.

Thông tin trên được đưa ra từ Ban giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM ngày.

Như vậy, đến thời điểm này, TP.HCM đã cho phép đưa tổng cộng 1.700 mặt bằng cho thuê để kinh doanh hoa tết (thay vì 900 như phê duyệt ban đầu) tại 3 chợ hoa chính của thành phố tổ chức ở Công viên 23/9 quận 1, Công viên Lê Văn Tám quận 3, Công viên Gia Định quận Gò Vấp.


Hoa bày bán thành từng nhóm ở Công viên 23/9 dịp Tết Kỷ Sửu 2009. Ảnh: Trần Khiêm

Trước nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh hoa Tết năm nay tăng hơn 40% của nhà vườn, chủ yếu là nhà vườn các tỉnh (cung cấp 75–85% lượng hoa Tết cho thành phố), UBND TP.HCM đã phải thay đổi kế hoạch giảm quy mô chợ hoa để hạn chế ùn tắc giao thông những ngày cuối năm tại khu vực trung tâm.

Vậy nhưng trên thực tế, không phải tất cả những người đăng ký thuê mặt bằng đều là chủ vườn có nhu cầu thuê chỗ để buôn bán hoa cho ba ngày Tết.

Muốn có chỗ thì kiếm… “cò”

Do số lượng mặt bằng cho thuê đã được bổ sung nên tình trạng “cò lô” đã bớt nhộn nhịp nhiều so với vài ngày trước. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ vườn hoa, những “cò lô” nắm trong tay các mặt bằng ở khu A công viên 23/9 hoặc mặt bằng ở vị trí mặt tiền các chợ hoa khác vẫn còn nhiều đất sống.

Sáng 28/1, tại Công viên 23/9, chúng tôi gặp anh Tùng, một chủ vườn ở quận 7.

Sau khi xem kỹ sơ đồ bố trí mặt bằng kinh doanh ở khu B – khu có mặt bằng kinh doanh hoa Tết vừa được TP bổ sung – anh thở dài cho biết: “Khu này người ta không sắp xếp mặt bằng thành từng cụm cho những nhà vườn bán cùng 1 loại hoa mà để lẫn lộn, ai thuê chỗ nào cũng được nên khó bán lắm.”

Theo anh Tùng, khách đi mua hoa Tết thích vào những nơi bán tập trung một loại hoa để mua, vì ở đó họ dễ so sánh, lựa chọn và đọ giá.

“Mình chậm chân nên không kịp thuê bên khu A. Bên đó nằm phía ngoài, lại bán theo từng khu riêng nên khách chắc sẽ ít có ai mất công qua tới khu B đi lòng vòng tìm chỗ bán hoa vừa ý mình. Chắc tui phải chịu tốn thêm tiền, nhờ cò kiếm cho mặt bằng bên khu A”, anh Tùng nói.

Trong vai người cần tìm mặt bằng “khá khá” một chút ở mặt tiền chợ hoa Công viên 23/9 cho dễ buôn bán, chúng tôi được giới thiệu đến gặp một người tên Bảo, nhà ở quận 12.

Bảo ra giá lô nằm ở mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão thuộc khu A là 2,5 triệu đồng. Cũng tại khu này, các lô bên trong có giá thuê từ 1,7 đến 1,8 triệu đồng/lô .

“Giá này là quá “bèo” rồi! Mấy ngày trước, một lô phía trong ở khu A giá 4-5 triệu đồng đó”.


Có được lô mặt tiền ở khu A Công viên 23/9 để bày bán hoa Tết như thế này là niềm mong ước của nhiều nhà vườn. Ảnh: Trần Khiêm

Tại Công viên Gia Định, giá “sang tay” mặt bằng từ các “cò lô” là 2,5 triệu đồng/lô. Một người đàn ông tên Trung nói với chúng tôi “chỉ vì lý do cá nhân” nên anh ta phải “sang” lại mặt bằng, nhưng khi chúng tôi hỏi anh có mấy lô thì anh trả lời: còn nhiều!

Ngoài những lô có giá 2,5 triệu đồng, những lô nằm ở mặt tiền chợ hoa phía đường Hoàng Minh Giám được “cò lô” hét giá 5–6 triệu đồng/lô.

Giá thuê của những mặt bằng này cao – theo “cò lô” – là vì nằm gần đường, khách có thể tấp xe vào sát gian hàng để mua bán và thuận tiện chất hàng lên xe chở về.

Theo quy định chung của TP, giá thuê mặt bằng bán hoa Tết năm nay thống nhất thành 2 mức: 1,5 triệu đồng/lô 20m2 (những lô nằm bên trong) và 2 triệu đồng/lô 20m2 với những lô nằm ở mặt tiền hoặc vòng ngoài của chợ.

Mặt bằng thuê lại từ các “cò lô” đương nhiên giá không thể bằng hoặc thấp hơn giá cho thuê chính thức. Vấn đề là vì sao mặt bằng lại rơi vào tay “cò” nhiều như thế?

Tự quản hay “tự tung tự tác”?

Trong 3 chợ hoa Tết ở 3 công viên, Công ty Công viên cây xanh TP đảm đương việc quản lý và cho thuê mặt bằng chợ hoa tại Công viên 23/9.

Riêng mặt bằng của chợ hoa ở Công viên Gia Định và Lê Văn Tám, Ban quản lý các công viên này đảm đương việc cho thuê dựa trên số lượng mặt bằng và sơ đồ bố trí chợ hoa do TP phê duyệt.

Ngày 26/1, theo chân một số chủ vườn ở Đồng Tháp đến Công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 để đăng ký thuê mặt bằng, chúng tôi gặp một phụ nữ tên Cúc. Chị cho biết giá thuê mặt bằng tại công viên hiện nay là 2 triệu đồng/lô, bất kể lô đó ở phía trong hay mặt tiền chợ.

Chị Cúc giải thích, giá thuê mặt bằng tại đây cao hơn giá quy định là vì chủ vườn có thể để hàng lấn ra ngoài diện tích quy định (20m²/lô) và được “đổ” hàng sớm hơn ngày quy định (22 Tết). Ngoài ra, số tiền ấy còn để trả cho một số tiện ích khác.

Điều đáng lưu ý là tuy thu tiền thuê mặt bằng 2 triệu đồng/lô nhưng số tiền ghi trong biên nhận tạm thời giao cho người thuê khi đăng ký chỉ là 1,5 triệu đồng/lô. Biên nhận chính thức, theo chị Cúc, sẽ được giao khi khách thuê “đổ hàng” lên chợ.

Sau khi dẫn chúng tôi đi khảo sát mặt bằng tại các vị trí đã phân lô làm chợ hoa tại công viên, chị Cúc cho biết những lô có đánh số là đã nằm trong sơ đồ của thành phố nên giá cả không thay đổi (2 triệu đồng/lô), còn những lô chỉ được chia bằng vạch đỏ thì có thể thương lượng giá.

Chị này cũng nói thêm là nếu khách thuê 13 lô liên tiếp nhau trong phần mặt bằng không thuộc sơ đồ thành phố duyệt thì giá thuê sẽ là 20 triệu đồng và khách thuê chỉ được cung cấp biên nhận cho 2 - 3 lô “đại diện”, mỗi biên nhận ghi theo giá quy định là 1,5 triệu đồng/lô.

Công ty Công viên cây xanh từng đề nghị người dân khi phát hiện việc sang nhượng mặt bằng chợ hoa bất hợp pháp thì báo ngay cho công ty để có biện pháp xử lý.

Vậy, những gì đang diễn ra xung quanh việc cho thuê mặt bằng kinh doanh hoa Tết tại các công viên mà chúng tôi chứng kiến có phải là "sang nhượng bất hợp pháp" mà công ty đã đề cập?

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet