Top

Nhà ở xã hội nhiều nguy cơ bị ế

Cập nhật 09/06/2013 11:07

Theo GS Đặng Hùng Võ, nếu không nghiên cứu kỹ, việc phát triển ồ ạt nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc về đầu ra trong tương lai.

Theo con số thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có 58 dự án dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 9000 tỷ).

Cũng theo rà soát của Bộ Xây dựng, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và khoảng trên 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở ổn định. Và để đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở này, Việt Nam cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Tức là nhu cầu về nhà ở vẫn rất cao.

Tại Hà Nội, có 6 dự án nhà ở thương mại đề nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô 3.500 căn, có tới 19 dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 10.000 căn. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án, còn lại 15 dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra.

Còn tại TP HCM cũng có tới 20 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 10.000 căn.

Thế nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội chủ yếu là để được hưởng các ưu đãi trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Phát Đạt thì đối với nhà ở xã hội, ngoài vấn đề về giá cả thì việc cần phải gỡ khó khăn về chính sách cũng là một vấn đề quan trọng.

Ngoài ra, đa số các dự án nhà ở xã hội hiện nay có vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, nên việc đi lại của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, những dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là những dự án đang khó khăn về tài chính. Bài học về một loạt người mua nhà đang mắc kẹt tại các dự án thương mại khi chủ đầu tư không có tiền triển khai đã khiến không ít người mua nhà phải ái ngại.

Thực tế tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, hiện có nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp vẫn ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung như: Dự án Khu đô thị Đặng Xá 1 (Gia Lâm) có 946 căn hộ, mở bán từ tháng 5/2011 nhưng đến nay, sau 15 đợt mở bán vẫn chưa bán hết; Khu đô thị Đại Mỗ, gồm 2 tòa nhà chung cư CT1 và CT2 với 124 căn hộ, diện tích từ 53 - 69 m2 cũng nằm trong tình cảnh vắng người ở…

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì chỉ ra một thực tế là hiện nay có nhiều dự án nhà ở thương mại giá còn rẻ hơn nhà thu nhập thấp, nhà ở thương mại có nơi bá 10 triệu đồng/m2, nhà thu nhập thấp là 12 – 13 triệu đồng/m2, trong khi vị trí lại thuận tiện hơn, các thủ tục đơn giản.

“Nguồn cung nhà ở xã hội hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhưng thời gian tới đây, sự phát triển của hàng loạt các dự án nhà ở xã hội sẽ dẫn đến sự tăng mạnh về nguồn cung. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến sự phát triển ồ ạt và dư thừa so với nguồn cầu”, ông Võ nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia