Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ về các cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp - nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng về nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, để người thu nhập thấp tiếp cận được các dự án nhà ở, bộ đề xuất cơ chế, Nhà nước mua quỹ nhà ở của các thành phần kinh tế để cho thuê hoặc thuê mua. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã trả lời phỏng vấn PV xung quanh vấn đề này.
* Thưa Thứ trưởng, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ sử dụng khoảng 2.500 tỉ đồng trong gói kích cầu 17.000 tỉ để đầu tư một số dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhằm kích cầu tiêu dùng về nhà ở. Trong tờ trình lần này, bộ có đề xuất gì mới không?
- Thời gian qua, chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các khu vực đô thị được Chính phủ quy định cụ thể tại Luật Nhà ở. Trong đó, quy định Nhà nước và tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội cho người nghèo, người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, do các cơ chế ưu đãi chưa rõ ràng, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở đòi hỏi nguồn vốn lớn, các DN xây dựng đều phải vay với lãi suất cao, thời gian thu hồi vốn lâu, không hấp dẫn bằng các dự án nhà ở thương mại. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần có nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khu vực này, trong bối cảnh kinh tế khó khăn để giúp người nghèo cải thiện cuộc sống.
Song vì điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ phải cân nhắc nhiều mục tiêu trong gói giải pháp kích cầu. Hơn nữa, để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo đô thị, Bộ Xây dựng phải đề xuất Chính phủ giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá thông qua việc bổ sung các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với nhà đầu tư và bản thân các hộ thu nhập thấp.
* Theo tờ trình thì sẽ có 3 phương thức đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp, trong đó có phương án Nhà nước sẽ mua lại quỹ nhà ở của DN, hoặc đặt hàng DN xây dựng quỹ nhà ở để cho người thu nhập thấp thuê hoặc thuê mua?
- Chúng tôi đề xuất 3 phương thức, ứng với 3 đối tượng thu nhập thấp. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách để cho thuê những hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở (những hộ này có mức thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng). Nhà nước sẽ cân đối từ nguồn ngân sách T.Ư và địa phương để đầu tư, theo hình thức mua quỹ nhà ở của các DN đầu tư xây dựng hoặc theo hình thức đặt hàng một phần hoặc toàn bộ dự án.
Đối tượng thứ hai là sẽ thuê mua nhà ở, bên thuê mua có khả năng trả trước 20% giá trị căn nhà theo mức giá Nhà nước quy định, số tiền còn lại phải trả trong thời hạn 15-20 năm sau. Đối tượng cuối cùng chúng tôi đề xuất là được mua nhà ở giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả góp.
Đối với các chủ đầu tư (CĐT) đầu tư dự án nhà ở này, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng các chính sách như không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được áp thuế VAT 0%, thuế TNDN 10%; được vay vốn ưu đãi hoặc bù lãi suất... Giá bán nhà ở giá thấp sẽ do CĐT tự quyết định, trên cơ sở các chi phí xây dựng và 10% lợi nhuận định mức, nhưng không được tính vào giá bán các khoản ưu đãi được hưởng.
Để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, giá bán nhà sẽ được cơ quan có chức năng địa phương thẩm định giá và UBND tỉnh phê duyệt đối với từng dự án.
* Vậy làm thế nào để hạn chế "xin-cho" ở khâu duyệt danh sách những người được mua nhà ở xã hội và khống chế được mức lợi nhuận theo quy định, trong khi DN có thể kê những chi phí "hợp lý" vào giá bán?
- Do số lượng các căn hộ có hạn mà nhu cầu nhà ở thì lớn, nên có khả năng sẽ dẫn đến "xin- cho". Tuy nhiên, trong luật cũng quy định, sở xây dựng sẽ là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương làm đầu mối kiến nghị danh sách trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Các cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm về việc cho thuê, thuê - mua đúng đối tượng.
Ngoài ra, đối với trường hợp mua nhà ở giá thấp, đơn mua nhà sẽ được nộp trực tiếp cho CĐT. CĐT sẽ phải có trách nhiệm lập danh sách những người được mua nhà gửi về sở xây dựng để thực hiện hậu kiểm. Sở xây dựng sẽ thực hiện chức năng thẩm định giá bán nhà ở của DN.
Nếu phát hiện DN thực hiện việc bán nhà không đúng quy định, bán cao hơn lãi định mức 10%, nhập nhèm vào giá bán các khoản ưu đãi được hưởng..., thì sẽ bị thu hồi dự án để giao cho DN khác thực hiện. Trường hợp DN được giao dự án nhưng đã có quyền sử dụng đất, không được tính vào giá bán những chi phí phụ trội để yêu cầu hoàn trả.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
"Mục tiêu trước mắt của Bộ Xây dựng là trong 2 năm (2009-2010) làm sao phải ra được 10.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, làm thí điểm tại 2 TP lớn là HN, TPHCM và 2 tỉnh có đông công nhân là Đồng Nai và Bình Dương".
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: