Top

Thuỷ điện Đồng Nai 3 (Đắc Nông): Dân xin vào rừng... tái định cư!

Cập nhật 30/03/2009 10:50

Sau khi hơn 1.000ha rừng thuộc quy hoạch tái định cư - tái định canh Thuỷ điện Đồng Nai 3 bị chặt trụi, huyện Đắc Glong tiến hành giao đất cho dân, nhưng không hộ nào nhận vì... đất quá xấu.

Còn khu tái định cư, sau 6 năm khởi động vẫn chỉ là bãi đất ngổn ngang. Sự chậm trễ, lúng túng của chủ đầu tư và chính quyền sở tại đã "tiếp tay" cho ý đồ... vào rừng của không ít hộ dân.

Nước đến chân mới... nhảy

Theo kế hoạch thì nhà cửa, ruộng vườn của 432 hộ thuộc 5/6 thôn của xã Đắc Plao, huyện Đắc Glong sẽ vĩnh viễn chìm trong lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 3 kể từ tháng 6.2010. Ngày 26.3, chúng tôi có mặt tại khu tái định cư (TĐC) trọn gói của Đắc Plao (nằm trên địa phận thôn 6, xã Quảng Khê) và không khỏi ngạc nhiên về tiến độ thi công. Khởi động lần đầu năm 2003, tái khởi động vào năm 2005, nhưng đến nay 432 nhà dân, 5 nhà văn hóa thôn, 5 trường học các cấp, đài phát thanh và trụ sở UBND xã mới chỉ san ủi mặt bằng. Hệ thống Thuỷ lợi, trạm bơm, điện, nước cũng chưa tiến hành thi công...

Theo cam kết với chính quyền địa phương, Ban quản lý Dự án Thuỷ điện 6 (Ban 6) sẽ bàn giao toàn bộ khu TĐC vào quý II năm 2010. Nhưng trong một báo cáo mới đây, Ban 6 thừa nhận: "Hồ sơ mời thầu chỉ được 13/20 gói, rất chậm so với cam kết". Trên thực tế, việc chậm trễ TĐC đã gây không ít hệ lụy. Năm 2008, hàng trăm hộ đã 2 lần "nhảy dù" vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Cũng trong năm 2008, 91 hộ đã "vượt biên" qua tiểu khu 252 và 287 thuộc xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để phá rừng, lập làng mới.

Sự bức xúc của chính quyền và người dân còn ở chỗ, quy hoạch Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã được công bố từ năm 1991. Đất đai, nhà cửa, cây trồng thuộc vùng ngập lòng hồ cũng đã kiểm kê lần đầu từ năm 1998. Nhiều năm qua, người dân Đắc Plao phải ăn ở tạm bợ, sản xuất tạm bợ do quy hoạch "treo". Là xã vùng 3, nhưng Đắc Plao không được đầu tư cơ sở hạ tầng, dân không được hưởng các chương trình 132, 134, 135 vv... nên thiệt hại không thể tính bằng tiền.

Dân không nhận đất

Trước áp lực về tiến độ chặn dòng lẫn sự hối thúc của chính quyền địa phương, đầu tháng 3.2009, Ban 6 đã khai hoang xong 650ha đất sản xuất để cấp trước cho dân, gần khu TĐC. Song, khu vực khai hoang là đồi bát úp, dốc đứng, tầng canh tác rất mỏng nên bị... dân chê. Ngày 10 và 11.3, huyện chia đất đợt đầu cho gần 200 hộ, nhưng không hộ nào chịu nhận. Mặc dù Ban 6 là chủ đầu tư, nhưng trách nhiệm về vụ đất xấu lại thuộc về chính quyền sở tại, bởi khu vực này do huyện, tỉnh lựa chọn.

Ông Nguyễn Cầu - Phó Chủ tịch UBND huyện - giải thích: "Lúc khảo sát thì cây rừng rậm rạp, chặt trụi rồi mới thấy dốc. Trước mắt là chúng tôi đề nghị EVN và Ban 6 hỗ trợ lương thực cho dân 3 năm (thay vì 6 tháng - PV), khai hoang thêm đất rừng để bù vào những chỗ quá dốc, tận dụng các khu vực trồng được lúa nước, hoa màu v.v...". Song, ông Cầu cũng thừa nhận: "Rất khó cho huyện!".

Chưa biết kết quả "chữa cháy" ra sao, nhưng việc chậm trễ TĐC và cấp đất quá xấu đã "tiếp tay" cho ý đồ... vào rừng. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắc Plao Nông Văn Mèn, nhiều hộ đang xin về "quê cũ" là bon Phăng Rá xưa kia, thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Số khác lại muốn tự lo, nghĩa là cũng đi phá rừng lập thôn xóm, vì tiền đền bù không thể mua lại đất theo giá thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động