Top

Nguy cơ xảy ra sự cố từ các công trình ngầm

Cập nhật 24/11/2007 09:00

Hàng loạt sự cố về công trình ngầm xảy ra trong thời gian qua khiến người dân hoang mang. Trong khi đó đang rộ lên "phong trào" nhà nhà làm tầng hầm dù TP.HCM chưa có qui hoạch không gian ngầm.

Phần 1: Đua nhau "chui" xuống đất

Nhiều chủ đầu tư công trình đang tìm cách tăng diện tích sử dụng tại các khu đất "vàng" của mình bằng cách tăng thêm tầng ngầm. Khu đất có vị trí càng đẹp, chủ đầu tư càng tìm cách "chui" xuống sâu hơn.

Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, cộng với sự "non tay" của một số nhà thầu nên khả năng xảy ra sự cố từ các công trình ngầm này ở mức cao. Chỉ trong vài tháng qua, TP.HCM đã xảy ra hàng loạt sự cố khi thi công công trình ngầm.

Gần đây nhất có thể kể là công trình số 30 - 32 Lê Lai, công trình cao ốc Pacific (43 - 45 - 47 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Cuối tháng mười vừa qua tiếp tục xảy ra sự cố tại công trình xây dựng cao ốc Sài Gòn Residences (11D Thi Sách) gây sụp nền đường Nguyễn Siêu và lún nứt chung cư Cosaco (5 Nguyễn Siêu).

Nhiều công trình khác cũng đang gây lo sợ cho người dân. Công trình xây dựng căn hộ cao cấp Quốc Cường (qui mô 21 tầng và một tầng hầm) khởi công từ hơn hai tháng nay và hiện đang xây dựng phần móng. Nhưng qua ghi nhận có khoảng mười căn nhà xung quanh công trình (hẻm 421 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7) có dấu hiệu lún, nứt tường. Một người dân ở đây lo lắng: "Nhiều lúc khi công trình thi công, những căn nhà ở đây bị rung chẳng khác nào... động đất. Chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ không biết còn xảy ra chuyện gì nữa trong thời gian tới".

Một công trình khác qui mô 20 tầng - trong đó có hai tầng hầm  tại quận Bình Thạnh cũng gây nứt nhà hàng chục hộ dân xung quanh. Vụ việc kéo dài nhiều tháng qua đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ các công trình lớn, tầng hầm sâu có nguy cơ xảy ra sự cố, mà ngay cả các công trình có qui mô vừa và nhỏ nguy cơ cũng luôn rình rập. Theo một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm, hiện nay mật độ xây dựng tại các khu vực nội thành hầu như đã phủ kín.

Các hộ xây dựng liền kề nhau nên việc đào sâu xuống đất để xây thêm tầng hầm có khả năng xảy ra rủi ro cao, ảnh hưởng đến các công trình lân cận do địa chất phía dưới phức tạp chứa đựng nhiều yếu tố bất thường.

Nhà nhà làm hầm

Đường Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận (thuộc khu dân cư Miếu Nổi) chưa phải là tuyến đường nằm ở vị trí đắc địa của TP.HCM. Nhưng theo quan sát, trung bình cứ năm công trình thì có khoảng hai công trình xây dựng thêm tầng hầm. Người dân khu vực cho biết việc xây dựng thêm tầng hầm đang là xu thế chung vì tiết kiệm được mặt bằng, không phải lấn chiếm lòng lề đường làm nơi để xe, nhất là trong thời điểm hiện nay việc xử phạt lấn chiếm lòng lề đường đang rất căng.

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà (qui mô một hầm, một trệt, hai lầu) còn đang xây dựng dở dang, chị Ngô Thanh Nga, chủ một công trình trên tuyến đường này, cho biết: "Do diện tích xây dựng không lớn nên ngay từ đầu tôi đã nghĩ đến phương án xây dựng thêm tầng hầm. Với lại tôi cũng có ý định khi công trình hoàn thành sẽ cho các công ty thuê làm văn phòng nên cần có chỗ để xe cho nhân viên. Bây giờ dựng xe trên lề đường là bị phạt liền...".

Không chỉ vậy, chị Chu Thị Bích, chủ công trình xây dựng 158 Phan Xích Long, nói trước đây gia đình chị tìm đỏ mắt mới được chỗ gửi ôtô gần nhà. Nhưng chiều nào cũng phải đưa xe đến bãi từ rất sớm rồi 5g giờ sáng hôm sau phải dậy đến bãi lấy xe về, dù giá gửi không rẻ: 30.000 đồng/đêm. Có hôm chị Bích phải dậy từ 4g sáng. Cũng theo lời chị Bích, khu vực chị đang ở hầu như nhà nào cũng có xây dựng tầng hầm.

"Chui" sâu hơn

Càng vào khu trung tâm TP, công trình có xây dựng tầng hầm càng nhiều, nhất là các tuyến đường ở quận 1, 3... Công trình càng cao thì tầng hầm càng sâu. Nếu như một hai năm trước chủ công trình chỉ xây 1 - 2 tầng hầm, chủ yếu để làm bãi đậu xe thì sắp tới tầng hầm được tận dụng cho nhiều mục đích khác nữa: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng ăn uống...

Theo trưởng phòng quản lý đô thị một quận, xu hướng xây dựng tầng hầm là tất yếu nhằm tận dụng không gian ngầm, trong điều kiện một số nơi tầng cao đang bị khống chế. Vị trí càng đẹp, chủ đầu tư càng muốn "chui" xuống sâu hơn.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật - xây dựng TP.HCM, cho rằng khi xây dựng tầng hầm có tốn kém chi phí ban đầu như khảo sát, chống thấm... nhưng bù lại sẽ tăng thêm phần diện tích. Đó là chưa kể gần đây TP có chủ trương khuyến khích các công trình xây dựng nên xây thêm tầng hầm và miễn tiền sử dụng cho phần diện tích này, vì vậy càng khuyến khích các chủ đầu tư làm tầng hầm.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP, trong hai năm 2005 - 2006 vừa qua mỗi năm đơn vị này thẩm định, cấp phép trên 300 công trình xây dựng (chưa kể các công trình do quận huyện cấp phép). Một cán bộ sở cho biết hầu hết các công trình đều có sử dụng tầng hầm, trong đó các công trình thường xuyên sử dụng tầng hầm là văn phòng, chung cư, khách sạn... do lượng người ra vào đông, cần nhiều chỗ giữ xe.

Nhu cầu xây dựng tầng ngầm ngày càng cao, trong khi đó hiện nay TP chưa có qui hoạch không gian ngầm. Mỗi công trình chủ đầu tư đều phải thỏa thuận tầng hầm với cơ quan quản lý.



Theo Tuổi Trẻ