Việc mua bán các suất đất dịch vụ rất có thể khiến nhiều người lâm vào cảnh “tay trắng” nếu một mai Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, chính sách đền bù đất dịch vụ không còn hoặc giá trị của mảnh đất dịch vụ tăng cao, bên bán tự ý hủy hợp đồng (viết tay).
Trước thông tin nhiều vùng của tỉnh Hà Tây có thể trở thành một phần của Hà Nội trong nay mai, đã khiến nhiều người muốn sở hữu một vài mảnh đất tại các xã thuộc những huyện giáp ranh giữa tỉnh Hà Tây với TP Hà Nội. Thời gian qua, người dân Hà Nội và các tỉnh đổ xô về các vùng giáp ranh Hà Nội như Ba La, Yên Nghĩa (Hà Đông), An Khánh (Hoài Đức) và các xã thuộc huyện Chương Mỹ, Thanh Oai... để mua các “suất” đất dịch vụ của người dân “găm” hàng chờ giá lên.
Theo ông Nguyễn Viết Hướng, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức), đất dịch vụ 10% là diện tích đất đền bù cho các hộ nông dân bị thu hồi hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để chuyển đổi nghề nghiệp. Mặc dù đó mới là chủ trương, nhưng một số người dân đã bán ngay khi có người hỏi mua.
Ông Hướng cho biết, việc mua bán “suất” đất dịch vụ là có thật và nhiều người đã bán được diện tích đất này. Nhưng ông Hướng không cho biết mức giá của mỗi suất đất dịch vụ là bao nhiêu, vì bản thân ông không được chứng kiến việc mua bán. Ông Hướng khẳng định, chỉ có Khu đô thị mới Nam An Khánh là chủ đầu tư đã đền bù cho người dân 15 ha đất dịch vụ cho xã.
Tuy nhiên, UBND xã An Khánh cũng chưa có phương án chia bất kỳ suất đất dịch vụ nào cho người dân, vì diện tích được đền bù ít, còn số hộ gia đình lại quá đông. Còn với Khu đô thị Bắc An Khánh, chủ đầu tư là Liên doanh Vinaconex và Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) chưa có chủ trương đền bù 10% đất dịch vụ cho người dân.
Qua giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến một “Văn phòng tư vấn” nhà đất khá hoành tráng ngay đầu thôn An Thọ (xã An Khánh). Tại đây, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi người đàn ông tên Thái tự giới thiệu là Giám đốc Văn phòng cho chúng tôi xem hàng chục “suất” đất dịch vụ sẵn sàng bán tại cả 2 khu đô thị Bắc và Nam An Khánh. Mỗi suất đất dịch vụ (50 m2) có giá 150 - 500 triệu đồng, tùy từng vị trí (theo quy hoạch trên giấy mà các trung tâm môi giới nhà đất đưa ra).
Ông Thái đưa ra bản photo đen trắng quy hoạch chi tiết (1/500) Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh và chỉ cho chúng tôi xem vị trí đất dịch vụ sẽ được quy hoạch tại thôn Lại Yên, xã An Khánh. Nếu muốn mua, chỉ cần điền tên vào các mẫu hợp đồng đã được photo sẵn.
Hợp đồng mua bán bao gồm bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, giấy xin giao lại quyền sử dụng đất dịch vụ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dịch vụ và đơn xin xác nhận diện tích đất bị thu hồi của UBND xã (tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Hướng cho chúng tôi biết, việc chứng nhận của UBND xã chỉ là chứng nhận việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp của người dân là có thật, còn việc đền bù đất dịch vụ cho các hộ dân ra sao lại không thuộc thẩm quyền của UBND xã).
Tình hình mua bán các suất đất dịch vụ cũng diễn ra khá nhộn nhịp tại các thôn thuộc xã Yên Nghĩa, TP. Hà Đông. Theo phản ánh của người dân 2 thôn Nghĩa Lộ và Do Lộ, xã Yên Nghĩa, mặc dù người dân chưa biết chính thức đất dịch vụ mà TP. Hà Đông quy hoạch cho họ ở vị trí nào và diện tích cụ thể ra sao, nhưng từ cuối năm 2007, có rất nhiều khách hỏi mua những diện tích đất này.
Việc mua bán thường diễn ra dưới hình thức trao tay, người bán yêu cầu UBND xã chứng nhận là họ có một số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án và chữ ký đồng ý bán diện tích đất dịch vụ của các thành viên trong gia đình là người mua chấp nhận. Trước đây, một suất đất dịch vụ (khoảng 50 m2) có giá 80-100 triệu đồng. Thế nhưng, con số này hiện đã lên đến 250-300 triệu đồng/suất, thậm chí, có gia đình bán được 400 triệu đồng/suất.
Theo ông Đào Trung Chính, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), việc mua bán các suất đất dịch vụ bằng giấy viết tay là hết sức rủi ro, bởi chưa biết quy hoạch sẽ như thế nào, liệu người dân có được lấy đúng phần đất đó không (?). Các giấy viết tay xác nhận tặng quyền sử dụng đất dịch vụ thực ra chỉ là giải pháp tâm lý cho người mua cảm thấy yên tâm, còn theo quy định của pháp luật, chữ ký đấy không có giá trị pháp lý, không ai có thể bảo đảm người bán thực hiện theo đúng cam kết hay không.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: