Việc UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho các quận huyện điều chỉnh quy hoạch một số khu vực đã quy hoạch, đường dự phóng... được nhiều người dân ủng hộ.
Một nhà xây dựng lùi vào trong khoảng 1m nhưng vẫn xây hàng rào trên phần đất hiện hữu tại hẻm 79 Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM (ảnh chụp sáng 25-3) - Ảnh: Tự Trung
|
Nhiều khu quy hoạch qua khu dân cư riêng tiền đền bù giải tỏa đã tốn vài ngàn tỉ đồng, chưa kể chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Để thực hiện các quy hoạch trên là điều không tưởng Ông NGÔ VĂN DŨNG |
UBND TP.HCM vừa chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch của 23 quận huyện (H.Hóc Môn chưa trình), sẽ tiến tới giảm lộ giới nhiều tuyến đường dự phóng đã “treo” hàng chục năm nay, nhiều khu vực quy hoạch chỉnh trang đô thị sẽ thành đất ở...
Thế nhưng, thực tế hiện nay còn nhiều khu dân cư tập trung đông đúc nhà dân vẫn còn vướng quy hoạch “treo” nhiều năm qua. Vậy cần làm gì để hạn chế quy hoạch “treo”? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của cơ quan chức trách, chuyên gia quy hoạch và người dân.
* KTS Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM):
Phải có lộ trình
thực hiện quy hoạch
Trong nhiều đồ án quy hoạch, có những quy hoạch phân khu chức năng, do quỹ đất không còn nên các quận huyện sử dụng khu vực nhà dân để đưa vào quy hoạch công trình công cộng như giáo dục, y tế, cây xanh.
Để thực hiện theo quy hoạch phải giải tỏa quá nhiều nhà dân, trong khi ngân sách có hạn, không đủ đền bù nên đồ án phê duyệt nhiều năm không khả thi. Đây là thực tế kéo dài ở nhiều địa phương.
Trước đây, các nhà quy hoạch chỉ nghĩ đến việc làm sao cho ngăn nắp, trật tự, mà không nghĩ đến vốn đầu tư thực hiện quy hoạch ở đâu. Quy hoạch nhưng không tính toán hiệu quả kinh tế, giai đoạn phát triển, nguồn vốn thực hiện từ đâu.
Quy hoạch “vẽ” ra nhưng không biết khi nào làm, kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đời sống người dân. Chưa kể, những chủ đầu tư mạnh về kinh tế sẽ lợi dụng chuyện này để làm khuynh đảo cả một đồ án quy hoạch để có lợi cho họ. Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi cách làm quy hoạch.
Ở nước ngoài, người ta quy hoạch có tính chất lâu dài, trong đồ án có phần quy hoạch cứng (giữ nguyên) và phần quy hoạch mềm (có thể điều chỉnh). Tức là những khu vực thuộc khung căn bản phải giữ ổn định, còn những khu vực động phải điều chỉnh theo thị trường và tình hình phát triển thực tế.
Còn quy hoạch ở nước ta hiện nay mặc dù cho điều chỉnh nhưng không phân biệt rõ phần cứng và mềm trong quy hoạch. Quan trọng hơn, một đồ án quy hoạch cần phải đưa ra lộ trình và giải pháp thực hiện đồ án đó thì mới đúng nghĩa một đồ án quy hoạch.
Có nghĩa là khi đưa ra một đồ án quy hoạch cần phải có lộ trình bao nhiêu năm để thực hiện, nguồn vốn thực hiện lấy từ đâu, hiệu quả kinh tế như thế nào. Chứ không phải “vẽ” xong bỏ đó, “treo” cuộc sống của người dân qua việc không thực hiện. Ít năm sau thấy bất cập lại điều chỉnh, như vậy nguồn lực quốc gia cực kỳ tốn kém.
* Ông Ngô Văn Dũng (chuyên viên Phòng quản lý đô thị Q.Tân Bình):
Nhiều quy hoạch
qua khu dân cư
rất khó thực hiện
Nhiều khu quy hoạch hiện nay rất khó thực hiện. Thực tế khảo sát quá trình thực hiện đồ án quy hoạch trên địa bàn Q.Tân Bình, hiện nay có nhiều khu vực thuộc đất quy hoạch chỉnh trang đô thị, đường dự phóng không thể thực hiện được do người dân sinh sống ở đây lâu năm, mật độ dân cư dày đặc.
Nếu giải tỏa để thực hiện các dự án theo quy hoạch phải cần nguồn vốn rất lớn.
Lấy ví dụ như 4 khu thuộc đất quy hoạch chỉnh trang đô thị ở P.10 (Q.Tân Bình), nếu giải tỏa trắng nhà dân sẽ có tổng cộng hơn 1.000 hộ dân ảnh hưởng. Trong khi hiện nay giá thị trường những căn nhà trong hẻm ở khu vực cũng 2 - 3 tỉ đồng/căn.
Như vậy, riêng tiền đền bù giải tỏa đã tốn vài ngàn tỉ đồng, chưa kể chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... Để thực hiện các quy hoạch trên là điều không tưởng.
Do vậy, trước mắt nên xóa các khu vực quy hoạch chỉnh trang đô thị đã kéo dài nhiều năm chưa thực hiện được.
Riêng quy hoạch đường dự phóng qua khu dân cư đông đúc cần phải rà soát lại, giữ lại những tuyến đường chính, trục giao thông quan trọng, còn những đường dự phóng khác nên xóa bỏ hoặc điều chỉnh theo hướng giảm lộ giới để hạn chế số lượng nhà dân ảnh hưởng, khi đó mới có lộ trình thực hiện quy hoạch.
Còn trước mắt để đảm bảo tuyến đường lưu thông, quận huyện phải đánh giá lại lưu lượng lưu thông tại các khu vực đề xuất điều chỉnh để tìm các hướng tuyến hẻm phù hợp thay thế.
Việc mở rộng lộ giới hẻm sẽ dễ dàng hơn khi nhà dân chỉ bị ảnh hưởng một phần, thay vì phải giải tỏa trắng khi làm đường dự phóng lộ giới lớn như quy hoạch khó khả thi. Khi đó khả năng thực hiện quy hoạch sẽ dễ dàng hơn.
* TS Nguyễn Hồng Ngọc (giảng viên khoa kiến trúc Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng):
Nên có cam kết
của chính quyền
Đối với các tuyến đường dự phóng cần xác định rõ tính khả thi khi quy hoạch. Liệu có nên rộng quá không nếu như con hẻm với bề rộng 4-6m đảm bảo đủ nhu cầu giao thông và các yêu cầu khác.
Nếu đã quy hoạch các tuyến đường dự phóng này, thành phố cần cam kết chẳng hạn trong vòng 2 hoặc 3 năm nữa có thể thực hiện được tuyến đường đó. Nếu không đủ nguồn lực thì không nên quy hoạch các tuyến đường dự phóng này để khỏi làm khổ dân và làm tăng tính trách nhiệm của chính quyền.
Theo tôi, một phần quy hoạch “dính treo” cũng vì các quận huyện quá cứng nhắc trong việc phải có đủ chỉ tiêu cây xanh, chỉ tiêu đất giao thông trong đô thị.
Thực ra các nhà quy hoạch và chính quyền cần phải hiểu các chỉ tiêu này không phải là cứng nhắc, đặc biệt với một đại đô thị như TP.HCM không nên áp một chỉ tiêu rắn nào vào.
Với những vị trí có khả năng mở rộng thì lập quy hoạch tuyến đường dự phóng nhưng phải đảm bảo (thông qua cam kết của chính quyền) rằng sẽ thực hiện tuyến đường dự phóng đó trong thời gian nhất định (chẳng hạn 2-3 năm). Như vậy mới chấm dứt tình trạng quy hoạch “treo”.
* Ông Lê Văn Hải (người dân ở Q.10):
Hãy cho biết
thời gian thực hiện
Nhiều khu vực người dân sinh sống tập trung nhiều năm nay, khi thực hiện quy hoạch cần giải tỏa khối lượng lớn nhà dân, nguồn vốn bồi thường quá lớn nên chưa triển khai được, dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo” thời gian dài.
Như khu vực nhà tôi sinh sống, người dân đã ở ổn định từ hàng chục năm nay. Đa số lộ giới hẻm hiện hữu ở đây khoảng 3m, nhưng sau đó quy hoạch mở rộng lộ giới thành 6m.
Để mở rộng đúng như lộ giới quy hoạch thì hàng trăm hộ dân phải giải tỏa. Chưa làm được, vậy là quy hoạch “treo” nhiều năm nay.
Các hộ dân sinh sống trong hẻm chịu đủ nỗi khổ. Việc xây dựng, sửa chữa bị hạn chế, muốn bán nhà cũng bị người mua ép giá vì “dính” quy hoạch. Trong khi ngóng hoài vẫn không thấy Nhà nước thực hiện mở đường như quy hoạch.
Trong nhiều cuộc họp, chúng tôi đề xuất nếu quy hoạch phải cho dân biết rõ thời gian thực hiện, còn không phải bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi cho dân. Ngoài ra nếu chưa làm cũng phải có chính sách cho người dân được sửa chữa, mua bán.
Ông Nguyễn Trọng Hòa - Ảnh: CTV
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: