Top

Không để thất thoát “đất vàng”

Cập nhật 26/03/2017 09:37

Các chuyên gia cho rằng chỉ có cho thuê hoặc đấu giá “đất vàng” mới tránh thất thoát tài sản nhà nước ở doanh nghiệp cổ phần hóa

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011, Nghị định số 189/2013 và Nghị định số 116/2015). Trong đó, nội dung được chú ý là “Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hóa; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa được tăng cường bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước”.

Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương công bố, DN có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết dự thảo nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.


Khu “đất vàng” số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM (trụ sở cũ của Công ty XSKT TP HCM)
mới được bán đấu giá đến 1.430 tỉ đồng so với giá khởi điểm là 558 tỉ đồng Ảnh: Tấn Thạnh

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng chuyện đấu giá đất đai của DNNN có nhiều vấn đề phải bàn tính. Thực tế, tài sản của DNNN chưa cổ phần hóa phần lớn là đất. Nếu không có tài sản này thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đất này nếu để mãi ở DNNN mà không cổ phần hóa thì vẫn không thể là “đất vàng”. Nó chỉ thành “đất vàng” khi có tiền của các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào. Chưa kể, nhiều DNNN có công ty con đã liên doanh với các công ty khác nên rất khó tách phần đất ra để định giá mà phải định giá thông qua giá trị sổ sách. “Đó cũng là khe hở có thể gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng không dễ quản lý” - TS Chí nhận định.

Chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam gần đây với nhiều lùm xùm là một ví dụ: thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0; hàng ngàn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị DN (gồm trụ sở hãng phim đặt tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội có diện tích sử dụng gần 5.500 m2; hơn 900 m2 đất có địa chỉ trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội làm khu chứa đạo cụ; đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh, Hà Nội; hơn 1.200 m2 tại khu đất số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, TP HCM làm trường quay phim)… Thực tế này gây bức xúc giới nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng có thể nói tham nhũng về đất đai là rất lớn, nhất là các loại “đất vàng”, “đất kim cương” của nhà nước được bán chỉ định hay đưa vào cổ phần. Trước đây, đất được định giá theo khung quy định là sai nghiêm trọng vì chỉ bằng 20%-30% giá thị trường. Giá này còn tùy thuộc đất được sử dụng vào mục đích gì, xây bao nhiêu, nếu hệ số sử dụng đất cao thì rất lợi. Khi giao đất là thương mại 10 tầng thường sẽ có giá thấp hơn nhiều lần so với đất là căn hộ 30 tầng, thế là DN tiếp tục chạy quy hoạch được xây cao để cho lãi lớn thêm. “Theo tôi, không nên cổ phần hóa đất mà chỉ cho thuê. Nhà nước sẽ ra chỉ tiêu quy hoạch khu đất này, hệ số sử dụng đất tầng cao và mục đích, sau đó đấu giá công khai. Điều này tránh cổ phần hóa đất và bán chỉ định. Bài học về khu đất số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) còn đó, đấu giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ chủ trương này của nhà nước” - ông Đực nói.

Ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính:

Bịt kẽ hở khi cổ phần hóa


Theo quy định hiện nay, xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa DNNN không bao gồm đất thuê của nhà nước và trả tiền thuê hằng năm. Đây chính là kẽ hở được nhiều DN lợi dụng giữ lại “đất vàng”, làm thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa. Dự thảo nghị định chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các nghị định khác liên quan đã được Bộ Tài chính xây dựng theo hướng bổ sung các vấn đề về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hóa nhằm bịt kẽ hở này. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ đưa giá trị đất (gồm cả đất thuê và giao) tính vào giá trị DN, bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất, sẽ chấm dứt tình trạng đất thuê được định giá bằng 0 trong các phương án cổ phần hóa như hiện nay. Đồng thời, chấm dứt tình trạng chuyển đổi trụ sở nhà máy, cơ quan, kho bãi, cảng biển… thành các chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại một cách dễ dàng, tùy tiện.

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN. Những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch sẽ bị thu hồi. DN nắm giữ đất sau cổ phần hóa sẽ chuyển qua hình thức thuê đất và nhà nước sẽ điều chỉnh tiền thuê đất 5 năm/lần.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Cần có chế tài với hành vi tham nhũng


Việc sửa đổi nghị định về cổ phần hóa DNNN lần này là rất quan trọng vì trong số các DN chưa cổ phần hóa, phần lớn là các công ty, tập đoàn nắm giữ tài sản khổng lồ của quốc gia, trong đó có đất đai. Với thực trạng có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại các DNNN xảy ra thời gian qua, ban soạn thảo dự thảo nghị định đã bổ sung các giải pháp xử lý vấn đề về đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN.

Theo tôi, dự thảo này có mấy điểm đáng chú ý như sau: Điều chỉnh chính sách đất đai là cần thiết theo hướng tính đúng, tính đủ và quản lý chặt chẽ. Thông qua chính sách về đất đai để bảo đảm bình đẳng giữa DNNN và DN ngoài nhà nước là điểm nhấn trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có thể đụng chạm và gây phản ứng đối với các đối tượng bị điều chỉnh nhưng nếu quyết tâm thực hiện sẽ bịt được kẽ hở và việc lạm dụng tài sản nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu “ông” nào chần chừ hoặc cố tình không làm thì chứng tỏ là muốn giữ lợi ích nhóm. Vì vậy, khi ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ Tài chính cần làm rõ các quy định, coi đó là tham nhũng đất đai và có chế tài mạnh.

TSKH Trần Quang Thắng - đại biểu HĐND TP HCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP:

Cần sự giám sát của HĐND các cấp


Chính phủ đang quyết tâm và mạnh tay hơn trong việc cổ phần hóa cũng như chống thất thoát tài sản, cụ thể là “đất vàng” của các DN trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, tất cả phải theo quy định của luật nên không thể dễ dàng làm sai nếu như có sự tham gia, giám sát của cơ quan chức năng. Đặc biệt là tận dụng cả HĐND các cấp trong việc giám sát các tổ chức kinh tế thì quá trình cổ phần hóa sẽ tốt hơn.

Nếu quá trình cổ phần hóa theo đúng trình tự thủ tục, minh bạch và biết tận dụng quyền hạn của cơ quan chức năng đúng chuyên môn để giám sát, tư vấn thì sẽ không bị thất thoát dù là tài sản đất đai. Về các nhà đầu tư nước ngoài, khi tham gia mua cổ phần của DNNN cổ phần hóa, họ chủ yếu cần đất sạch, thủ tục pháp lý rõ ràng và khả năng phát triển của DN đó ra sao chứ không chỉ nhắm vào “đất vàng”.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ