Săn mua các dự án trùm mền của những doanh nghiệp khó khăn về tài chính để phát triển lại dự án đã trở thành xu hướng và mang lại cơ hội cho khá nhiều doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thành công khi mua lại dự án, nếu không tự lượng sức mình, đây sẽ là con dao 2 lưỡi.
Chấp nhận lỗ hơn trăm tỷ đồng, nhưng PV Land vẫn chưa thoát được khỏi Dự án Green House
|
Mua rồi mắc kẹt
Chấp nhận lỗ hơn trăm tỷ đồng với mong muốn thoát khỏi sự sa lầy, nhưng hơn 2 năm qua, CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Land), chủ đầu tư Dự án Căn hộ Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) miệt mài chào bán dự án Dự án Căn hộ Green House, đến giờ vẫn chưa tìm được khách mua. Đây là một điển hình của doanh nghiệp không tự lượng sức mình khi mua lại dự án bất động sản.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, Dự án Căn hộ Green House PV Land được PV Land mua lại từ Công ty Tân Hải Minh. Sau khi mua lại, PV Land tiến hành xây dựng móng dự án với quy mô 2 block cao 18 tầng và chào bán ra thị trường, nhưng kết quả không bán được hàng, sau đó ngưng hẳn việc thi công. Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PV Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng, chịu lỗ tới 112,3 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư ban đầu.
Thời gian qua, đã có khá nhiều doanh nghiệp đến xem dự án này, nhưng vẫn chưa doanh nghiệp nào đưa ra quyết định mua. Giám đốc một doanh nghiệp có tên tuổi ở TP. HCM cho biết, doanh nghiệp ông đã từng gặp gỡ đại diện của PV Land để ngỏ ý mua lại dự án này, tuy nhiên, kết quả đàm phán đã không thành.
“Dự án Green House có vị trí khá đẹp, mức giá được chào bán cũng khá hấp dẫn. Tuy nhiên, lý do mà chúng tôi không thể mua lại dự án này vì còn dích dắc giữa các bên về thủ tục pháp lý dự án nên rất rủi ro”, vị giám đốc này cho biết. Không bán được, bản thân PV Land cũng không còn khả năng tiếp tục xây dựng nên dự án đã nằm phơi nắng phơi sương nhiều năm qua và số phận trong tương lai cũng chưa biết sẽ ra sao.
Những năm 2012 - 2013, giữa lúc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp bất động sản ở TP. HCM đã tranh thủ cơ hội săn mua lại các dự án trùm mền của các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Những tưởng sau khi mua lại, doanh nghiệp sẽ làm hồi sinh dự án án, nhưng vì nhiều lý do, các đơn vị này gặp bế tắc với những bước đi tiếp theo. Đơn cử như doanh nghiệp Q., trong năm 2012, doanh nghiệp này đã mua lại và hợp tác và lại một số dự án ở quận Tân Phú, Thủ Đức và Hóc Môn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến giờ các dự án này vẫn chỉ xây dựng được vài tầng rồi để đó vì gặp khó khăn về đầu ra.
Liệu cơm gắp mắm
Câu chuyện doanh nghiệp có năng lực tài chính và chuyên môn săn mua lại những dự án của các doanh nghiệp khó khăn để tiếp tục đầu tư xây dựng đã trở thanh xu hướng, giúp cho khá nhiều dự án chết đi sống lại và khiến thị trường thêm sôi động. Những doanh nghiệp đáng chú ý gặt hái được thành công lớn trong xu hướng này gần đây phải kể đến như Tập đoàn Novalaand, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh ở phía Nam, Tập đoàn FLC ở phía Bắc…
Đơn cử như Novaland, chỉ tính riêng trong năm 2014, Novaland đã săn mua lại hàng loạt dự án có vị trí đắc địa ở TP. HCM của khá nhiều doanh nghiệp và liên tục phát triển cùng lúc. Nguồn tin từ Novaland cho biết, trong năm 2014, Công ty đã bán thành công ra thị trường 2.500 căn hộ. Cùng với Novaland là Hưng Thịnh, trong năm 2014 này, Hưng Thịnh Đã mua lại hoặc hợp tác 6 dự án và phát triển thành dòng căn hộ 8X. Những dự án sau khi đổi chủ về tay Hưng Thịnh, chỉ một thời gian ngắn tung ra thị trường đều được bán sạch, như dự án 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Pus… Tính đến nay, Hưng Thịnh đã bán được cả ngàn căn hộ ra thị trường. Hoặc như Him Lam, Đất Xanh cũng đã mua lại khá nhiều dự án trong năm nay và bán rất thành công.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, có thể xem những doanh nghiệp như Novanland, Hưng Thịnh… là những “người hùng” của thị trường bất động sản thời gian qua. Bởi không có những doanh nghiệp này, chưa hẳn thị trường đã sôi động và còn có nhiều dự án khác còn đang phải trùm mền.
“Tôi nói vậy vì để mua lại một dự án và phát triển thành công không hoàn toàn đơn giản. Bởi bản thân doanh nghiệp mua lại dự án phải đối mặt với khá nhiều rủi ro, từ rủi ro về pháp lý, biến động thị trường, an toàn lao động đến rủi ro về biến động vật liệu, trong khi lợi nhuận không nhiều”, ông Đực nói và cho rằng, một doanh nghiệp muốn phát triển được các dự án trùm mền, trước hết phải có năng lực tài chính để xoay xở. Nhưng có tài chính không vẫn chưa đủ mà phải có đội ngũ bán hàng mạnh và chuyên nghiệp để giải quyết đầu ra của thị trường, có bộ phận chuyên nghiệp về phát triển dự án để tiết giảm chi phí và hơn thế nữa phải có uy tín trên thị trường để người mua chấp nhận.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án "chết" để làm sống lại dự án là một xu hướng tích cực, là cơ hội để sắp xếp lại trật tự mới cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để làm được việc này, các doanh nghiệp phải có thực lực. Đồng thời, phải biết “liệu cơm gắp mắm”, nếu không sẽ rất dễ bị sa lầy theo kiểu ốc không mang nổi mình ốc lại đèo thêm rêu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: