Top

MTTQ Việt Nam: Lý do để mở rộng Hà Nội thiếu thuyết phục!

Cập nhật 26/04/2008 10:00

Mặt trận lưu ý chuyện chạy chức, chạy quyền và mất đoàn kết nội bộ khi Hà Tây nhập về Hà Nội.

Sáng 25-4, Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổ chức hội nghị để góp ý cho phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Tất cả các ý kiến phát biểu đều tỏ ra băn khoăn trước chủ trương mở rộng thủ đô.

Học tập cũng phải cân nhắc

Ông Phạm Lợi, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, cho biết: Về phương án mở rộng Hà Nội, hiện nay xã hội có hai luồng ý kiến, về cơ bản là đồng tình nhưng cũng có không ít ý kiến của những nhà quản lý, nhà khoa học và giới trí thức không đồng tình, thậm chí có những ý kiến phản đối gay gắt. Tôi đề nghị trung ương xem người ta phản đối như thế nào, tại sao lại phản đối, từ đó tìm sự đồng thuận. Hà Nội trải rộng thế thì bộ máy hành chính thế nào, chính quyền đô thị tổ chức ra sao?

Sau khi nghe thuyết trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, GS Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ, đã nhận xét: Thuyết trình như vậy là chưa thuyết phục. “Các đồng chí cứ bảo học tập kinh nghiệm Bangkok, Seoul nhưng các chuyên gia Thái Lan đã nói với tôi rằng “Các ông đừng dại mà mở rộng quy mô thành phố như của tôi”. Bangkok mở rộng, chia Thái Lan ra làm hai “nước”: một “nước Bangkok” đại đô thị với nạn kẹt xe trầm trọng và một Thái Lan nghèo đói chung quanh thủ đô. Seoul cũng đối mặt với những vấn đề như thế. Mình nói là cần một thủ đô rộng tương xứng với đất nước hơn 100 triệu dân trong tương lai. Nhưng Trung Quốc phát triển hàng ngàn năm rồi, dân số 1,3 tỷ người mà có ai đặt vấn đề mở rộng Bắc Kinh và phát triển công nghiệp ở đấy đâu. Trung Quốc xây dựng các khu chế xuất ở ven biển làm động lực cho nền kinh tế, xây dựng Thượng Hải là “thủ đô” kinh tế, Bắc Kinh vẫn nguyên như thế” - GS Bách phân tích.

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Xuân Mỹ đặt vấn đề: Nếu cứ lập luận là thiếu đất, đông người nên phải mở rộng thì tỉnh khác người ta cũng nói là đất tỉnh tôi chật rồi tôi sẽ mở rộng sang tỉnh khác, xã này chật rồi đòi mở rộng sang xã khác, vậy có được không?



Hà Nội sẽ mở rộng hơn ba lần (từ 921 km2 lên 3.200 km2).


Giải quyết vấn đề cán bộ cho yên

“Chuyện mở rộng Hà Nội nói là đã nghiên cứu nhiều năm, sao HĐND các tỉnh liên quan lại phải họp đột xuất? Tôi cũng từng làm công tác chính quyền lâu rồi, tôi không thấy cái quy định nào cho phép HĐND Hà Nội ra nghị quyết lấy đất của tỉnh khác?” - Phó Chủ tịch MTTQ VN Cư Hòa Vần đặt vấn đề. Ông Nguyễn Túc đồng tình: “Thấy các đồng chí nói rằng muốn 1-7 này cho triển khai ngay, tôi băn khoăn quá. Các chuyên gia nói rằng Hà Nội nhỏ chừng này còn chưa quản lý nổi, triển khai một cái dự án nhỏ thì chậm nhất là năm rưỡi, chậm nhiều là sáu, bảy năm... Quản lý yếu như thế thì niềm tin của dân khi mở rộng Hà Nội cũng yếu”.

Ông Túc nói tiếp: “Phải giải quyết vấn đề cán bộ làm sao cho yên. Chứ chưa nhập mà người ta đã rỉ tai tôi “Sắp xếp lại thì Hà Nội họ nhiều phó chủ tịch hơn nhưng bên em lại nhiều giám đốc hơn thì phải”. Nói thế nghĩa là Quốc hội chưa quyết nhưng công tác cán bộ đã xong rồi. Câu chuyện Cà Mau đang diễn ra làm cho chúng ta phải chú ý hơn đến vấn đề này. Cứ có thay đổi là người ta băn khoăn chỗ đứng, chỗ ngồi ghê lắm!”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ nói thêm: “Tôi cho rằng việc này cần phải làm kỹ, đưa ra dân bàn xem người ta phản ứng thế nào. Chứ làm vội như khi cấm xe ba gác, lúc đầu bảo cấm, rồi sau lại giãn lộ trình thì dân sẽ không tin cách làm việc không chắc chắn. Để chuyện sát nhập làm mất đoàn kết nội bộ thì không hay đâu”.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ VN Vũ Trọng Kim cũng nói: “Tính từ năm 1940, Hà Tây đã bảy lần nhập vào tách ra, lần nhập lâu nhất được 12 năm (sáu huyện), dân hỏi lần này có được dài hay không? Sát nhập thì bộ máy sẽ tính thế nào, cấp trưởng thì dễ nhưng cấp phó bố trí rất khó. Chúng ta vừa sát nhập một số sở, ngành xong giờ sát nhập tỉnh, tôi tính có sở lên tới 15 phó giám đốc. Làm sao để dân thấy bộ máy không cồng kềnh, nhũng nhiễu dân?”.

Mở rộng Hà Nội để dân có rau an toàn ?

“Vùng rau xanh của Hà Tây lâu nay chủ yếu phục vụ thủ đô Hà Nội và các đô thị vùng phụ cận của các tỉnh. Nay chính quyền Hà Nội mới sẽ trực tiếp quản lý, sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân thủ đô.

Tỉnh Hà Tây có nhiều làng nghề truyền thống, thủ đô Hà Nội cũng có nhiều làng nghề truyền thống. Nay chính quyền Hà Nội mới sẽ có một chính sách, chủ trương phát triển chung chắc chắn giữ được “bản sắc truyền thống”, đồng thời có điều kiện phát triển hơn.” (Trích báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính:

Quy hoạch chưa được duyệt thì phải tạm dừng

* Thưa ông, Hà Tây và Hà Nội trước đây đã quy hoạch và nhiều dự án đang triển khai theo quy hoạch, bây giờ quy hoạch mở rộng Hà Nội sẽ có điều chỉnh đáng kể, xử lý vấn đề này thế nào?

Chính phủ đã đề nghị các tỉnh dừng quy hoạch lại một thời gian, đồng thời rà soát lại tất cả các quy hoạch. Những dự án nào đã được cấp phép hoặc đã được phê duyệt thì cứ thế làm. Những quy hoạch chưa được duyệt thì dừng lại một chút để xem quy hoạch mở rộng thủ đô ra sao đã.

Ví dụ, nhà máy xi-măng Sài Sơn (hiện đặt tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây) thì không cần phải nói, dứt khoát là phải chuyển ra sau khi có quy hoạch được duyệt. Không thể để một nhà máy trong Hà Nội mà bụi, bẩn như thế được. Ngay cả những khu công nghiệp mà nằm trên một đường đại lộ chính thì cũng phải chuyển đi hoặc chuyển mục đích sử dụng. Như vậy, bên cạnh việc có lộ trình phù hợp thì cũng sẽ có những điều chỉnh cho hợp lý.

* Nguồn lực để thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch đấy lấy từ đâu ra? Trong quá trình làm quy hoạch, các ông có trả lời câu hỏi này không?

Có chứ. Nguồn lực để thực hiện quy hoạch rất nhiều, trước hết là nguồn lực từ các doanh nghiệp, nguồn lực trong dân. Khi người ta nhìn thấy dự án có lãi thì bằng bất cứ giá nào người ta cũng vào, đó sẽ tạo nguồn lực. Còn những công trình hạ tầng xã hội như nhà máy cấp thoát nước, công trình giao thông lớn, môi trường, cây xanh v.v... thì nhà nước có trách nhiệm.

* Xin cảm ơn ông.



Theo Pháp Luật TP.HCM