Top

Minh bạch trong đấu thầu

Cập nhật 06/02/2009 11:55

Tuy chỉ còn gần 2 tháng nữa (ngày 1/4/2009), các quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu sẽ chính thức có hiệu lực, nhưng hiện còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các quy định này.

Hiện tại, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang chủ trì soạn thảo các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu thầu, trong đó đặc biệt tập trung vào Điều 11 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu và Điều 20 về chỉ định thầu.

Theo quy định tại Điều 11, thì nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật của dự án, nhà thầu tư vấn đã tham gia thiết kế kỹ thuật của dự án không được tham gia đấu thầu các bước tiếp theo, trừ trường hợp đối với gói thầu EPC.

Bên cạnh đó, nhà thầu tham gia đấu thầu, nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng, nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án cũng phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, với nhà thầu thực hiện hợp đồng và với chủ đầu tư của dự án.

Tất cả các quy định này được đặt ra, theo ông Đặng Huy Đông, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, là nhằm hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, như chống khép kín, chống thông đồng, móc ngoặc, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà thầu; đồng thời nâng cao chất lượng của dịch vụ tư vấn, hàng hóa và công trình…

Trước thời điểm ngày 1/4/2009, tất cả các quy định “cấm” tại Điều 11 vẫn được phép thực hiện, do vậy đã xảy ra không ít trường hợp các nhà thầu thông đồng, móc ngoặc với nhau, tạo nên tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí là không có sự cạnh tranh. Không ít báo cáo nghiên cứu khả thi kém chất lượng mà vẫn được chấp thuận, kéo theo chất lượng gói thầu thấp…

Đây là một thực tế khó phủ nhận trong công tác đấu thầu. Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Luyến, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quy định về việc hạn chế quyền tham gia đấu thầu của nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ gặp nhiều vướng mắc khi triển khai tại Việt Nam.

Ông Luyến đơn cử, rất có thể, các nhà thầu tư vấn có năng lực, kinh nghiệm sẽ từ chối tham gia đấu thầu trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và chỉ tham gia đấu thầu các giai đoạn sau, có nhiều lợi thế hơn, giá trị sản lượng nhiều hơn, trong khi giai đoạn chuẩn bị dự án là rất quan trọng, đòi hỏi có nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực. “Điều này sẽ gây khó khăn trong việc chọn lựa nhà thầu tư vấn cho chủ đầu tư”, ông Luyến nói.

Cũng theo ông Luyến, việc “cấm” nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tham gia vào các bước tiếp theo của dự án có thể sẽ làm kéo dài thời gian nghiên cứu chuẩn bị dự án. Hơn thế, trong thực tế, số nhà thầu tư vấn trong nước đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm không nhiều, nhất là khi tham gia các dự án lớn. “Để khắc phục những hạn chế trên, cần sửa đổi nội dung này trong Luật Đấu thầu cho phù hợp”, ông Luyến đề nghị.

Trong khi đó, ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu (Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN) lại băn khoăn đối với các quy định về tính độc lập của các đơn vị tham gia dự án.

“Tập đoàn kinh tế có chức năng kinh doanh đa ngành và đa sở hữu. Các đơn vị trong Tập đoàn, nếu liên kết với nhau vì mục tiêu, chiến lược chung thì lại vi phạm điều kiện đảm bảo cạnh tranh nên không thể tham gia đấu thầu cạnh tranh”, ông Định nói và bày tỏ quan điểm rằng, có lẽ cũng nên có những hình thức cho quan hệ cung cấp hàng hóa dịch vụ nội bộ, ví như thỏa thuận hợp tác toàn diện, hợp đồng chiến lược…

Cũng theo ông Định, cần coi kết quả là mục tiêu cao nhất để đưa ra các quy định hướng đến kết quả cuối cùng. Lý giải điều này, ông Định cho rằng, nên khuyến khích việc lựa chọn nhà thầu hiểu biết hơn về dự án, vì vậy cần bỏ các điều kiện cấm trong quy định của Điều 11.

“Không nên đặt nặng vấn đề độc lập đối với tư vấn về chuyên môn sâu, tư vấn kỹ thuật, mà phải hình thành hệ thống giám sát độc lập riêng thông qua hệ thống tư vấn giám sát độc lập, quy định về thẩm định, kiểm định, giám sát cộng đồng… như các tổ chức quốc tế vẫn làm”, ông Định nói.

Đón nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Đặng Huy Đông cho biết, sẽ tiếp thu và xem xét để nghiên cứu sửa đổi các điều luật của Luật Đấu thầu theo hướng giải tỏa các vấn đề vướng mắc trong thủ tục đầu tư.

Đây cũng là vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, trong đó có Luật Đấu thầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư