Top

Chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động triển khai giải pháp kích cầu

Cập nhật 06/02/2009 09:15

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm góp phần chống giảm phát, giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp kích cầu đã được đưa ra.

Theo kế hoạch, yêu cầu giải ngân đối với các dự án do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư năm nay dự kiến hơn 25 nghìn tỷ đồng. Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ? PV đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng xung quanh vấn đề này.

* Thưa Bộ trưởng, điều đáng lo ngại nhất trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân của ngành là gì?

- Giải phóng mặt bằng (GPMB) chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn. Một dự án sau khi đã có quyết định đầu tư sẽ tách thành 2 dự án thành phần. Dự án xây dựng do chủ đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm. Dự án GPMB do địa phương thực hiện. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao mốc giới GPMB dự án và bố trí đủ vốn cho địa phương.

Theo quy định, hiện có 11 bước thực hiện quy trình GPMB. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đang có cơ chế để rút gọn hơn nữa thủ tục GPMB. Tôi hy vọng, thủ tục sẽ đơn giản hóa để thuận lợi hơn.

Ban quản lý dự án GPMB của các địa phương cũng phải chuyên nghiệp hóa hơn. Giá bồi thường thu hồi đất là vấn đề phức tạp khiến nhiều địa phương lúng túng. Với tư cách là chủ đầu tư, Bộ GT-VT sẽ phối hợp tối đa cùng địa phương, nhưng tôi nghĩ sẽ còn khó khăn.

* Năng lực nhà thầu cũng là mối lo. Bộ có kiên quyết trong việc thay thế nhà thầu yếu kém?

- Trong chuỗi quản lý đầu tư xây dựng, khó khăn nhất là nhà thầu. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng có khó khăn, nhưng cơ chế giải quyết, điều hành đã tiến bộ hơn, cơ bản đáp ứng phía nhà thầu. Năng lực tổ chức thực hiện, khả năng tài chính của nhà thầu cũng khiến chậm tiến độ, trong đó lo ngại nhất là khả năng tài chính.

Năm 2008, các nhà thầu đã cải thiện đáng kể bức tranh tài chính của mình. Đây là hy vọng tốt. Thêm vào đó, cơ chế quản lý vốn của chủ đầu tư là trên cơ sở khối lượng thực hiện có thể ứng vốn tối đa và kiểm soát dòng vốn chặt chẽ. Cơ chế tài chính và quản lý vốn đó rõ ràng có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho nhà thầu.

Tuy nhiên, công nợ của một số nhà thầu còn lớn; khả năng đáp ứng yêu cầu tiến độ xây dựng dự án còn khó khăn. Trong trường hợp nhà thầu không thực hiện theo hợp đồng khi đã có sự trợ giúp thì phải loại trừ. Việc loại trừ nhà thầu đã được thực hiện trước đây, nhưng cũng đơn giản, bởi tìm nhà thầu thay thế không dễ.

Nếu làm thủ tục đầu tư xây dựng, lập dự án đấu thầu lại có thể còn kéo dài tiến độ hơn nữa. Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cho phép chỉ định nhà thầu khác có đủ năng lực thay thế để tiếp tục thực hiện dự án. Về cơ bản, Chính phủ ủng hộ và đang chờ quyết định cuối cùng. Như vậy, việc thay thế nhà thầu sẽ nhanh, hiệu quả.

* Bộ GT-VT đã từng phạt nhà thầu chưa?

- Theo quy định, đúng là phải phạt và yêu cầu đền bù, nhưng lâu nay hầu như chưa thực hiện được. Chủ đầu tư thường mới chỉ không thanh toán khối lượng cuối cùng chưa ứng vốn cho nhà thầu; cố gắng "đòi" hết vốn đã ứng. Có "đòi" hết vốn ứng mới có thể thay thế.

* Chưa thể phạt là do thiếu chính sách hay thực hiện chưa tốt, thưa Bộ trưởng?

- Do thực hiện chính sách chưa tốt. Nể nang là một phần. Đòi có đòi, phạt có phạt nhưng trả hay không phải ra tòa án. Mà ra tòa giải quyết, vấn đề đó không đơn giản.

* Ngành sẽ thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ thế nào?

- Kích cầu ở đây là dành cho doanh nghiệp cả nước. Chủ đầu tư phải chủ động đón nhận. Chủ đầu tư phải huy động vốn đầu tư dự án, kể cả vay vốn ngân hàng, bởi đã được hỗ trợ lãi suất để thực hiện dự án hiệu quả hơn. Chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng và thực hiện nhanh dự án.

* Để thực hiện nhanh dự án thì rút ngắn thủ tục đặc biệt có ý nghĩa. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo ban quản lý dự án, nhà thầu còn phàn nàn về thủ tục ngay tại Bộ. Bộ GT-VT sẽ cải cách hành chính ra sao?

- Năm 2008, về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư và giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản có bước tiến khá lớn, theo hướng nhanh hơn, gọn hơn, ủy quyền, phân cấp rất mạnh, tạo điều kiện giải ngân tốt.

Tuy nhiên, đi vào cụ thể, sự chậm chễ kéo dài còn diễn ra, do công tác chuẩn bị của các ban quản lý dự án khi trình lên chưa đạt được yêu cầu, phải sửa. Trong quản lý của các cơ quan Bộ, một số cá nhân, vị trí làm chưa hết trách nhiệm. Những khiếm khuyết này sẽ được giải quyết trong năm 2009.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới