Top

Chương trình phát triển nhà ở xã hội: Cần 11 triệu mét vuông nhà ở

Cập nhật 18/02/2008 09:00

Những người công nhân, người lao động có thu nhập thấp sẽ có cơ hội có chỗ ở ổn định, phù hợp với mức thu nhập. Đó là mục tiêu chương trình nhà ở xã hội - một chế định mới của Luật Nhà ở 2005 - hướng tới.

Tuy nhiên để ước mơ có một nơi "an cư lạc nghiệp" của những người lao động có thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực rất cần có sự quan tâm của không chỉ ngành xây dựng mà cả các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương...

Nhà ở xã hội là yêu cầu tất yếu

Kinh nghiệm của các nước đã cho thấy, chăm lo chỗ ở người dân góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế và ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội. Ở nước ta, vấn đề nhà ở được quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên từ những năm 1960 đến 1990, Nhà nước thực hiện chính sách bao cấp về nhà ở nên chỉ giải quyết được 30% nhu cầu về nhà ở cho người dân.

Những bất cập của chính sách bao cấp về nhà ở cũng như nhu cầu của người dân đặt ra yêu cầu cần có những thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế. Từ năm 1992, khi Pháp lệnh Nhà ở được ban hành, trong đó nhà nước xác nhận quyền sở hữu về nhà ở cho người dân, đồng thời đưa tiền nhà vào lương đã từng bước chấm dứt bao cấp về nhà ở.

Nhằm khuyến khích và các doanh nghiệp tự lo nhà ở, nhà nước đưa ra những chính sách như: giảm tiền sử dụng đất, đầu tư vào quỹ phúc lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà. Điều này có tác động lớn, khối lượng nhà ở tăng lên rất nhanh, đặc biệt là các khu đô thị.

Hiện nay cả nước có trên 1500 dự án nhà ở đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó có nhiều dự án nhà ở hiện đại, thu hút nhiều người dân có nhu cầu đến ở như dự án Khu đô thị Linh Đàm, Định Công, Ciputra, Trung Hoà-Nhân Chính, Mỹ Đình... tại Hà Nội; dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, An Phú-An Khánh, Nam Sài Gòn... tại TPHCM.

Những khu đô thị này đã tạo thêm vẻ đẹp cho kiến trúc cảnh quan đô thị, đồng thời góp phần tạo bộ mặt đô thị cho nước ta ngày càng văn minh hiện đại. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) - thì "các doanh nghiệp xây dựng nhà chủ yếu là các đơn vị kinh doanh nên họ còn phải tính đến lợi nhuận

Do đó, về mặt xã hội nó tác động không nhỏ đến những người có thu nhập thấp, những người làm công ăn lương bởi họ chưa có đủ điều kiện để cải thiện về nhà ở. Điều đó dẫn đến những bất cập về chính sách nhà ở và đặt ra yêu cầu Nhà nước phải tính đến việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp bên cạnh việc khuyến khích phát triển nhà ở nói chung".



Khu nhà ở CN của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ
Great Veca (huyện Trảng Bom, Đồng Nai).




Những bất cập mà ông Hà nêu đã được Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1.7.2006) giải quyết bằng các quy định về việc phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua. Tại đây quy định cụ thể những đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội cũng như các tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội.

Để sớm hiện thực hoá những quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đã đã trình đề án xây dựng nhà ở xã hội và chọn 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM tỉnh Bình Dương thực hiện dự án thí điểm để từ đó  nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.

Các địa phương cần sớm vào cuộc

Cả nước hiện có khoảng 1,4 triệu cán bộ, công chức và khoảng 800 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Trong đó có khoảng 330 nghìn người có khó khăn về nhà ở cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện để cải thiện nhà ở.

Như vậy, quỹ nhà cần đầu tư xây dựng để cho thuê, cho thuê mua trong cả nước dự kiến lên đến 11 triệu mét vuông, với tổng vốn đầu tư lên đến 31 nghìn tỉ đồng. Theo dự kiến, khoản kinh phí này sẽ được đầu tư từ ngân sách nhà nước đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tham gia xây dựng.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội hoàn thành sẽ giải quyết được chỗ ở cho một bộ phận không nhỏ người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà thì "Sau hơn 1 năm thi hành Luật Nhà ở, việc triển khai đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn vẫn còn rất chậm".

Tại Hà Nội có 4 dự án  với tổng số 1.564 căn hộ với mức vốn đầu tư 50 tỉ đồng thì đến nay mới hoàn thành 168 căn, bố trí cho 1.700 công nhân thuê. Tại Bình Dương có 12 dự án với tổng số vốn đầu tư 194 tỉ đồng vẫn còn nằm trên giấy tờ. TPHCM cũng chỉ mới lập dự án.

Một số địa phương khác như Hà Tây, Bắc Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... cũng đang triển khai xây dựng chương trình nhà ở xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì tiến độ còn chậm.

Cũng theo ông Hà thì "nguyên nhân của sự chậm trễ là do chính quyền địa phương chưa chỉ đạo sát sao và chưa có kế hoạch huy động vốn để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tại địa phương.

Mặt khác, mặc dù trong luật quy định các dự án phải để dành một phần diện tích đất vao phát triển nhà ở xã hội nhưng nhiều dự án đã bàn giao mặt bằng, phát triển hạ tầng từ trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực do đó địa phương cần tìm quỹ đất mới, mà vấn đề này không đơn giản vì nó còn liên quan đến ngân sách cho đền bù giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, về phía trung ương, các bộ, ngành chức năng cũng chưa có quy định cụ thể về cơ chế đầu tư vốn và chưa lập kế hoạch vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nhà ở xã hội".

Để các quy định của pháp luật rõ ràng, cụ thể hơn, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, mới đây, Bộ Tài chính đã ra Thông tư 314/2007/TTBTC ngày 23.11.2007, trong đó quy định cho phép các doanh nghiệp có đầu tư nhà ở cho công nhân được tính vào chi phí sản xuất hợp lý.

Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị Chính phủ tiếp tục sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội như: Hoạt động cho thuê nhà ở dành cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuê được áp dụng thuế suất 0%, hướng dẫn ưu đãi về thuế thu thu nhập doanh nghiệp...

Việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là một trong những chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của các địa phương. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các địa phương phải sớm quan tâm đến vấn đề này, coi nó có tầm quan trọng bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đầu người.

Kinh nghiệm các nước phát triển hơn chúng ta như Sigapore, Hàn Quốc... cho thấy việc quan tâm đến chỗ ở cho người lao động sẽ góp phần vào ổn định xã hội, tạo đà cho phát triển kinh tế. "Nếu các địa phương không vào cuộc sớm, không làm ngay từ bây giờ sẽ muộn" - Ông Hà khẳng định.

Theo Lao Động