Có khoảng hơn 20 nước trên thế giới tham gia nghiên cứu, “hiến kế” trùng tu khu phố cổ Hà Nội, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa chọn được giải pháp phù hợp. Vì sao?
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng Văn phòng kiến trúc TP Hà Nội, phố cổ có rất nhiều thứ quý giá nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa nhận diện được cụ thể cái gì quý nhất, “giống như một cô gái được mọi người khen xinh nhưng không biết mình xinh ở điểm nào”. Phóng viên có cuộc trao đổi với vị kiến trúc sư này xung quanh những ý kiến của nước ngoài về việc trùng tu phố cổ Hà Nội (HN), nhân hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm về việc trùng tu các phố cổ: Genova và Hà Nội”, diễn ra ngày 21/5.
* Thưa ông, qua nghiên cứu kế sách của các đồng nghiệp nước ngoài về việc trùng tu phố cổ HN, ông thấy có những phương án nào thuyết phục?
KTS Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: Ngọc Nhiên |
Tôi chưa thấy phương án nào phù hợp, mặc dù HN đã mời rất nhiều nước tham gia, hoặc là tự nguyện hoặc là hợp tác, như Australia, Nhật, Pháp, Thụy Điển… Chẳng hạn, dự án của Australia năm 1995 đề xuất điều chỉnh toàn bộ quy hoạch chi tiết phố cổ, nhưng HN chưa thực hiện được vì cách làm quy hoạch của Australia khác với ta.
Năm 2009, ĐH Xây dựng kết hợp với Nhật Bản đưa ra phương án bảo tồn và khai thác phố cổ bằng cách cải tạo một ô phố hoặc làm tầng hầm cho các ngôi nhà để tăng diện tích ở. Nhưng cách này không thể áp dụng được, vì nếu làm tầng hầm thì đổ nhà ngay.
Rất nhiều nước ủng hộ và đề xuất
giãn dân khu phố cổ. HN cũng từng có kế hoạch giãn dân nhưng 11 năm rồi không làm. Đến nay lại tiếp tục đặt vấn đề này, nhưng thực hiện thế nào thì phải có chính sách, cơ chế. Chúng tôi sang Đức, Italy, thấy người ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân. Ví như với một ngôi nhà cổ bằng gỗ hay mái ngói thì chính phủ hỗ trợ cho người dân tiền chênh lệch giữa các vật liệu hiện đại với vật liệu cổ để bảo tồn ngôi nhà và tạo cơ chế cho họ có điều kiện khai thác.
* Theo ông, điều khúc mắc nhất hiện nay của VN là gì?
Trước tiên là việc giãn dân. Tiếp đó là điều lệ quản lý khu phố cổ đến nay có nhiều bất cập. Chẳng hạn, chúng ta mới có một vài ngôi nhà, di tích được trùng tu, số còn lại vẫn để cho dân quản lý. Nhưng dân muốn làm thì quy chế quản lý lại ngặt, không làm được.
Phố cổ HN giống một cô gái… không biết mình xinh ở đâu. Ảnh: Trung Kiên |
Mặt khác, tiêu chí đánh giá nhà cổ là cái gì thì đến nay vẫn chưa đưa ra được. Chuyên gia VN khẳng định phố cổ có tới 800 ngôi nhà cổ có giá trị, trong khi chuyên gia Australia bảo 300, Nhật bảo hơn 100… Hiện, chính những nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc trong khu phố cổ có bao nhiêu ngôi nhà có giá trị, đặc trưng của khu này là gì, có 6 hay 8 loại hình kiến trúc...
* Cách bảo tồn và tu bổ tốt nhất đối với khu phố cổ HN, theo ông là gì?
Đầu tiên phải có quy chế, được thể chế hóa bằng những văn bản pháp luật, trong đó chỉ rõ người dân làm gì, chính quyền làm gì và phối hợp với nhau như thế nào… Tiếp đó là nhận diện trong khu phố cổ cái gì quý nhất. Chỉ nên chọn một vài nhà tiêu biểu nhất chứ không nên quá nhiều. TP Genova của Italy có khu phố cổ tương đồng với phố cổ HN, nhưng họ chỉ bảo tồn 40 ngôi nhà. Còn VN đưa ra 800 ngôi nhà có giá trị, 121 công trình tôn giáo, 30 công trình xếp hạng cấp quốc gia…, liệu có bảo tồn được hết không?
Kiến trúc sư Giorgio Parodi, Chủ tịch Hội KTS TP Genova: “Việc trùng tu phố cổ nên bắt đầu từ việc quy hoạch các tuyến phố, khu quảng trường, vườn hoa. Phải xác định được giá trị văn hóa của từng khu vực bằng cách nghiên cứu kỹ tất cả những ngôi nhà trong phố cổ, phân loại A, B, C dựa theo giá trị kiến trúc, lịch sử, vị trí đắc địa..., sau đó mới trùng tu”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: