Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong sẽ trở thành động lực phát triển mới cho nền kinh tế, đồng thời là "phòng thí nghiệm" cho những đột phá về chính sách cũng như thể chế mới nếu Luật Đặc khu được Quốc hội “bấm nút” thông qua tại kỳ họp này.
Dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau, song tại phiên thảo luận cuối cùng về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), diễn ra vào sáng ngày 23/5/2018, đa số các đại biểu Quốc hội đã dành sự đồng thuận cho dự án luật này. Theo đó, với cơ chế vượt trội cùng các ưu đãi đặc biệt, 3 đặc khu được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mang đến sự thịnh vượng cho quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đề xuất xây dựng các đặc khu kinh tế hướng tới hai mục tiêu chính. Đó là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế; thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới.
Cảng Cái Rồng - Vân Đồn
|
Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững và có sức cạnh tranh so với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới, Luật đặc khu cần theo hướng “Mở” và “Tự do” trên cơ sở cân bằng giữa thể chế và các ưu đãi - Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các đặc khu sẽ tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.
Thực tế, trong thời điểm hiện nay, không còn cần phải bàn cãi quá nhiều về tính đột phá của mô hình đặc khu kinh tế, bởi thành công của các mô hình đặc khu kinh tế, từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Dubai (UAE), rồi quần đảo Bristish Virgin Islands... Ngay cả Cuba cũng đã bắt đầu triển khai thành lập đặc khu Mariel vào năm 2015.
Cơ sở hạ tầng tại các đặc khu tương lai đang được cấp tập đầu tư
|
Để trở thành một đặc khu "siêu hạng" là một cuộc marathon lâu dài, đòi hỏi phải có sự cải cách, đổi mới liên tục không ngừng nghỉ, chứ không phải đến khi luật được thông qua là xong - Ông Patrick Tay, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế của PwC |
Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu độc lập như BCG, PWC và các chuyên gia kinh tế, dự thảo luật về đặc khu được trình lên Quốc hội lần này có rất nhiều điểm mới, có tính đột phá.
“Hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa ‘vượt’ luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội”, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Một cách so sánh đầy hình ảnh, khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví các đặc khu kinh tế chính là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng, nhằm tạo ra các vùng động lực tăng trưởng cho Việt Nam. “Nếu ta làm tổ cho gà thì không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”, ông Thiên nói.
Có cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những quy định đặc biệt, vượt ra khỏi những ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời cần có sự rạch mạch về các mục tiêu và cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế.
Dẫn thêm ví dụ đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đặc khu này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc thử nghiệm thể chế rất thành công. Hiện nay, nước này tiếp tục xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.
"Xây dựng đặc khu trước hết phải đặt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển tự do các nguồn lực. Cần có các cơ chế rõ ràng hơn về thực thi thể chế, cấu trúc quyền lực, xử lý quyền lực và giải quyết tranh chấp, cuối cùng mới là các chính sách ưu đãi. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các nước vẫn tiếp tục thí điểm cơ chế mới, Việt Nam cũng cần chấp nhận các luật chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát”, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ước tính giá trị thu về từ các đặc khu tương lai
1. Vân Đồn
- Ước tính thu về 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất.
- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.
- Thu nhập bình quân khoảng 5.000 USD/ người vào năm 2020 và 12.500 USD/người vào năm 2030
2. Bắc Vân Phong
- Ước tính thu về 2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất
- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030;
- Thu nhập bình quân khoảng 4.000 USD/người vào năm 2020 và 9.500 USD/ người vào năm 2030.
3. Phú Quốc
- Ước tính thu về 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất
- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030
- Mức thu nhập bình quân khoảng 5.300 USD/người vào năm 2020 và 13.000 USD/người vào năm 2030
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: