Luật Đặc khu kinh tế chuẩn bị tổ cho “phượng hoàng” cất cánh

Cập nhật 29/05/2018 14:28

Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong sẽ trở thành động lực phát triển mới cho nền kinh tế, đồng thời là "phòng thí nghiệm" cho những đột phá về chính sách cũng như thể chế mới nếu Luật Đặc khu được Quốc hội “bấm nút” thông qua tại kỳ họp này.

Dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau, song tại phiên thảo luận cuối cùng về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), diễn ra vào sáng ngày 23/5/2018, đa số các đại biểu Quốc hội đã dành sự đồng thuận cho dự án luật này. Theo đó, với cơ chế vượt trội cùng các ưu đãi đặc biệt, 3 đặc khu được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mang đến sự thịnh vượng cho quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đề xuất xây dựng các đặc khu kinh tế hướng tới hai mục tiêu chính. Đó là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế; thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới.

Cảng Cái Rồng - Vân Đồn

Các đặc khu này cũng sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Với phương thức quản lý mới, các đặc khu cũng sẽ tạo ra môi trường sống hiện đại, xanh, an toàn cho người dân; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững và có sức cạnh tranh so với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới, Luật đặc khu cần theo hướng “Mở” và “Tự do” trên cơ sở cân bằng giữa thể chế và các ưu đãi

   - Ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các đặc khu sẽ tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.

Thực tế, trong thời điểm hiện nay, không còn cần phải bàn cãi quá nhiều về tính đột phá của mô hình đặc khu kinh tế, bởi thành công của các mô hình đặc khu kinh tế, từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Dubai (UAE), rồi quần đảo Bristish Virgin Islands... Ngay cả Cuba cũng đã bắt đầu triển khai thành lập đặc khu Mariel vào năm 2015.
 

Cơ sở hạ tầng tại các đặc khu tương lai đang được cấp tập đầu tư

20 năm trước, năm 1997, Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII đã đề ra giải pháp: "... nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện". Khái niệm này cũng được nhắc lại ở Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 và một số chủ trương, nghị quyết khác.

Trong giai đoạn 2012 - 2014, trước sự cấp thiết của việc tìm một mô hình phát triển mới trong giai đoạn mới của nền kinh tế, chủ trương thành lập ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được thông qua.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - một trong những người trực tiếp tham gia soạn thảo Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhận định, những quốc gia xung quanh Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc đã hình thành mô hình đặc khu kinh tế từ 40, 50 năm trước, và đã đi trước Việt Nam một khoảng rất xa. "Trung Quốc hiện nay đã phát triển tới phiên bản thứ tư rồi", ông Đông cho biết.

Để trở thành một đặc khu "siêu hạng" là một cuộc marathon lâu dài, đòi hỏi phải có sự cải cách, đổi mới liên tục không ngừng nghỉ, chứ không phải đến khi luật được thông qua là xong

-     Ông Patrick Tay, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế của PwC
 

Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu độc lập như BCG, PWC và các chuyên gia kinh tế, dự thảo luật về đặc khu được trình lên Quốc hội lần này có rất nhiều điểm mới, có tính đột phá.

“Hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa ‘vượt’ luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội”, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Một cách so sánh đầy hình ảnh, khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví các đặc khu kinh tế chính là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng, nhằm tạo ra các vùng động lực tăng trưởng cho Việt Nam. “Nếu ta làm tổ cho gà thì không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”, ông Thiên nói.

Có cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những quy định đặc biệt, vượt ra khỏi những ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời cần có sự rạch mạch về các mục tiêu và cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế.

Dẫn thêm ví dụ đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đặc khu này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc thử nghiệm thể chế rất thành công. Hiện nay, nước này tiếp tục xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

"Xây dựng đặc khu trước hết phải đặt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển tự do các nguồn lực. Cần có các cơ chế rõ ràng hơn về thực thi thể chế, cấu trúc quyền lực, xử lý quyền lực và giải quyết tranh chấp, cuối cùng mới là các chính sách ưu đãi. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các nước vẫn tiếp tục thí điểm cơ chế mới, Việt Nam cũng cần chấp nhận các luật chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát”, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh.
 

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Về chính quyền đặc khu và môi trường đầu tư, qua nghiên cứu các ngành nghề ưu tiên với nhiều chính sách ưu đãi mang tính vượt trội cho thấy chủ trương kêu gọi đầu tư rất rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, tạo giá trị thương mại cao đối với từng đặc khu cụ thể. Thiết nghĩ, chính sách ưu đãi chưa phải là yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, thiết kế bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn, đảm bảo tính cạnh tranh mới là vấn đề quan trọng. Qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính - kinh tế rồi, với những ngành nghề ưu đãi cụ thể thì từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục thực hiện dự án đến khi triển khai xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ một nơi, đó là chính quyền đặc khu.

GS. TSKH. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Việc ra đời các đặc khu là một chủ trương đúng đắn của Việt Nam. Chúng ta đã bàn lâu nhưng giờ mới chuẩn bị để lập, không phải sớm mà khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, nếu làm tốt vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh. Vấn đề quan trọng cần bàn chính là việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội, tạo được sự đột phá.

Muốn các nhà đầu tư tầm cỡ thế giới vào được thì phải có môi trường công khai minh bạch, môi trường làm ăn hiệu quả tương xứng. Phải có những thể chế, chính sách tương đồng với tầm cỡ của các nhà đầu tư mà chúng ta đang muốn thu hút. Làm đặc khu, không thể xây tổ chim sẻ mà đón phượng hoàng được. Chúng ta lập muộn nên sức ép cạnh tranh là rất cao. Nếu không đủ hấp dẫn thì khó cạnh tranh được. Việc học hỏi cũng phải dựa vào những điều kiện cụ thể của nước ta, nếu bắt chước rập khuôn sẽ không thành công.
 

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá)

Tôi thống nhất việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm luật hóa chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp. Đây là vấn đề thực sự cần thiết nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước, xây dựng niềm tin và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Dự thảo lần này tôi thấy đã được tiếp thu, bổ sung, sửa đổi những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau một cách nghiêm túc, thận trọng, luật được trình bày khá cụ thể và rõ ràng. Tôi nhận thức là phải làm chặt chẽ, vững chắc, thận trọng, nhưng không vì thận trọng mà không làm. Chúng ta làm để cải cách về thể chế nhằm đổi mới và đột phá về kinh tế trong những năm tới, những cơ chế chính sách trong dự thảo luật, tôi thấy đảm bảo tính vượt trội, tính cạnh tranh quốc tế, đúng với Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm quốc phòng an ninh, hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và lợi ích của người dân.
 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình)

Đây là mô hình mang tính đột phá, là động lực trong chiến lược phát triển kinh tế mà nhiều nước trên thế giới đã làm như Thẩm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải của Trung Quốc; Khu kinh tế tự do của Incheon, thành phố quốc tế tự do của Jeju, Hàn Quốc hoặc Dubai và nhiều nước khác. Sự ra đời của các đặc khu kỳ vọng là bước đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tương tự như Khoán 10 trong nông nghiệp hoặc Luật Doanh nghiệp trong kinh doanh. Trên thực tế, những năm qua, mô hình tăng trưởng của chúng ta thiếu đi những động lực mới để phát triển, vậy nên rất cần có những cú huých mới về thể chể mà các đặc khu cũng như những chính sách mới dự kiến sẽ được áp dụng trong đặc khu là một ví dụ. 
 

Ước tính giá trị thu về từ các đặc khu tương lai

1. Vân Đồn

- Ước tính thu về 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất.

- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.

- Thu nhập bình quân khoảng 5.000 USD/ người vào năm 2020 và 12.500 USD/người vào năm 2030

2. Bắc Vân Phong

- Ước tính thu về 2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất

- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030;

- Thu nhập bình quân khoảng 4.000 USD/người vào năm 2020 và 9.500 USD/ người vào năm 2030.

3. Phú Quốc

- Ước tính thu về 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất

- Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030

- Mức thu nhập bình quân khoảng 5.300 USD/người vào năm 2020 và 13.000 USD/người vào năm 2030


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản