Top

Lãng phí đất công tại TPHCM: vẫn khó xử lý

Cập nhật 15/07/2009 08:35

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, đang trao đổi với các phóng viên tại buổi báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất công ngày 14-7. Ảnh: Đình Dũng.

Tình trạng sử dụng đất công không hiệu quả, lãng phí trên địa bàn TPHCM đang được dư luận quan tâm và chính quyền thành phố cũng đang rà soát lại để quản lý hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các ngành chức năng cho rằng vẫn khó xử lý dứt điểm những sai phạm vì cơ chế quản lý chồng chéo.

Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 14-7 về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã kiến nghị xử lý. Tuy nhiên, việc thu hồi đất chưa đạt kết quả do vướng mắc về pháp luật, quy định cũng như cơ chế quản lý có sự chồng lấn giữa các cơ quan quản lý.

Theo thống kê sơ bộ của Sở TN-MT, thành phố hiện có 410 khu đất với diện tích khoảng 6,4 triệu mét vuông do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực tiếp quản lý qua hình thức được giao hoặc cho thuê đất.

Tuy nhiên, diện tích sử dụng đúng mục đích chỉ khoảng 2,5 triệu mét vuông; phần diện tích chưa sử dụng và đầu tư xây dựng chậm chiếm khoảng 3,7 triệu mét vuông; còn lại là diện tích lấn chiếm và sử dụng vào mục đích khác. Qua kiểm tra cho thấy hàng chục ngàn mét vuông đã được các công ty cho thuê trái pháp luật trong thời gian vừa qua. Trong đó có các công ty như Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Gia cầm miền Nam…

Lý giải tình trạng các doanh nghiệp nhà nước được thuê đất rồi lại cho thuê lại, Sở TN-MT cho rằng một phần là do giá thuê còn nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà có nguồn gốc "công sản". Giá thuê thấp hơn giá thị trường vô hình trung kích thích các doanh nghiệp nhà nước cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá.

Bên cạnh đó còn do những đặc quyền, đặc lợi, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là những doanh nghiệp do trung ương quản lý.

Về nguyên nhân bỏ trống và đầu tư chậm, sở này cho rằng giá thuê đất còn thấp nên dù bỏ trống, doanh nghiệp sử dụng đất cũng không cảm thấy bị áp lực nhiều về tài chính. Hơn nữa, nhiều mặt bằng do các đơn vị nắm giữ thường là các tổng kho nên có diện tích rất lớn, hoặc nhà xưởng được xây từ hơn 30 năm nay đã xuống cấp, và do thay đổi về cơ cấu phát triển kinh tế, quy hoạch các kho này không còn phù hợp dẫn đến bỏ hoang.

Ông Kiệt chỉ ra những vướng mắc trong quản lý và thiếu đồng bộ giữa các quy định khiến hạn chế thẩm quyền thu hồi đất khi phát hiện sai phạm hoặc hướng xử lý vi phạm cũng có sự khác nhau. Bên cạnh đó việc nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý, dẫn đến việc không xác định được thẩm quyền cũng như trách nhiệm của cơ quan trong quản lý.

Chẳng hạn như việc thu hồi đất do các công ty trực thuộc thành phố thì việc xử lý dễ dàng. Nhưng với các tổng công ty, tập đoàn do bộ, ngành trung ương quản lý thì thành phố khó can thiệp, từ đó dẫn đến kéo dài thời gian xử lý hoặc không thống nhất trong xử lý. Đó là chưa kể đất thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.

Trong môt số giải pháp chấn chỉnh tình trang lãng phí đất công, Sở TN-MT kiến nghị cần sớm thông qua hệ số tiền thuê đất theo giá thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát kiểm tra tình hình kinh doanh đối chiếu với tình hình quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, cần kiên quyết xử lý các tổ chức sử dụng đất, người đứng đầu các tổ chức sử dụng đất khi có vi phạm, và cần thiết thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG