Top

Làm rõ trách nhiệm cá nhân gây thất thoát trong xây dựng cơ bản

Cập nhật 10/10/2008 01:00

Kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi lên kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XII đề cập đến việc làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan tới thất thoát trong xây dựng cơ bản.

Bức xúc giải phóng mặt bằng


Theo bản tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình giao thông rất lớn nhưng thất thoát trong quá trình xây dựng rất nhiều.

Điển hình là dự án cải tạo đường vành đai 3 có tiến độ xây dựng chậm đến 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả 50%. Cử tri Hà Nội kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan.

Liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, cử tri Hà Nội cũng kiến nghị phải làm rõ việc đất thu hồi cho các dự án nhưng đến nay vẫn không sử dụng, bỏ hoang hóa, xem xét lại chính sách người dân có ruộng thuộc đất công ích không được đền bù khi thu hồi.

Cử tri cũng bức xúc dự án đường vành đai 2,5 chưa rõ ràng về chỉ giới đường đỏ, quy hoạch tuyến đường không thị sát thực tế, giá đền bù giải phóng mặt bằng không hợp lý, thời gian giải quyết đền bù quá chậm.

Cử tri đề nghị: QH, Chính phủ, thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hướng tới sự công bằng, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, tránh xảy ra tình trạng "ở đâu có giải phóng mặt bằng, ở đó có khiếu kiện đông người".

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách cụ thể, giải quyết việc làm cho người lao động khi có đất bị thu hồi.

Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo


Liên quan đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, cử tri Hà Nội cho rằng vẫn còn tình trạng giải quyết không dứt điểm, có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, vòng vo và mong muốn Quốc hội có biện pháp hữu hiệu hơn.

Cử tri cho rằng, QH cần xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý và có kỷ luật đối với người đứng đầu một ngành, một tổ chức khi thực hiện không đúng chức trách, để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình được phụ trách.

Cử tri cũng mong muốn đại biểu QH thường xuyên giám sát các vụ việc (nơi ứng cử) mà cử tri có nhiều bức xúc phản ánh nhiều lần chưa giải quyết triệt để, thông qua đó nắm được sự việc trong quá trình thực thi pháp luật ở địa phương.

Nhận định công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến chậm, cử tri đề nghị có biện pháp hữu hiệu hơn để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, cơ quan phòng chống tham nhũng phải độc lập từ Trung ương đến địa phương.

Cử tri Hà Nội mong muốn Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Đảng bộ, chính quyền Hà Nội sớm thực hiện để ổn định và phát triển, trong đó quan tâm đề bạt, sắp xếp bố trí cán bộ có đức, có tài, tránh tình trạng cục bộ địa phương dễ làm mất lòng tin trong nhân dân.

Ngoài ra, cử tri Thủ đô cũng đề nghị có những biện pháp tích cực để ổn định giá cả, Chính phủ cần nghiêm túc đánh giá những mặt yếu trong điều hành nền kinh tế, trong quy hoạch các dự án...

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet