Liên sở Xây dựng - Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM vừa ra hướng dẫn thực hiện thí điểm cấp số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường tại TP.HCM. Lần này sẽ chỉnh sửa ra sao, có gắn với đổi tên đường và liệu có lường hết những phiền toái đối với người dân?
Trước hết sẽ có bốn quận, huyện được chọn thí điểm gồm các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Vì số lượng nhà ở xây dựng nhiều nhưng số nhà chưa ổn định...
Các tuyến đường thí điểm chỉnh sửa số nhà gồm: Lê Văn Khương (Q.12), Mã Lò, Lê Văn Quới, Bình Long (Q.Bình Tân), Nguyễn Cửu Phú, Trần Đại Nghĩa, Dương Đình Cúc, Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc, Lại Hùng Cường (huyện Bình Chánh) và các tuyến đường thuộc P.12 (Q.Gò Vấp).
Hai căn nhà liền nhau với số cũ 9B và số mới 397 đường
Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Chỉnh sửa ra sao?
Theo hướng dẫn của liên sở, đối tượng được cấp số nhà gồm: nhà ở được cấp riêng lẻ, nhà chung cư. Nguyên tắc đánh số theo chiều tăng của số nhà tính từ gốc chuẩn, bên trái là dãy số lẻ liên tục bắt đầu từ số 1, bên phải là dãy số chẵn liên tục bắt đầu từ số 2.
Trường hợp một nhà có nhiều cửa mở ra các đường khác nhau thì đánh số và gắn biển theo đường có bề rộng nhất, nhà có cửa chính mở tại góc đường thì đánh số nhà theo mặt tiền đường của đường lớn nhất. Nhà xây chen giữa hai nhà đã có số liên tiếp hoặc nhà tách ra từ một nhà khác thì dùng số nhà liền kề trước đó ghép với mẫu tự Latin A, B, C... để đánh số (trừ mẫu tự I, O). Ở những khu vực còn đất trống, UBND các quận huyện lập quỹ dự trữ cho tuyến đường đó, trường hợp có phát sinh số nhà so với quỹ dự trữ thì chèn số như trên.
Hướng dẫn cũng cho biết không xem xét cấp số nhà cho các trường hợp sau: nhà xây dựng không phép sau 1-7-2004 và không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt; nhà xây dựng trong khu vực cấm xây dựng, không được cơ quan chức năng cho phép tồn tại, nhà đã có quyết định giải tỏa, tháo dỡ; người sử dụng tự chia tách nhà thành nhiều căn nhỏ, có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa hoặc tự chia tách căn hộ chung cư thành nhiều phần.
Theo Sở Xây dựng TP, riêng với trường hợp nhà xây dựng không phép sau ngày 1-7-2004, không phù hợp quy hoạch nhưng đã được cấp số tạm, người dân vẫn được sử dụng trong thời gian chưa chỉnh sửa số nhà. Sở Xây dựng TP cho rằng việc cấp số nhà là để phục vụ công tác quản lý nhà nước, không gắn với việc cấp giấy chủ quyền. Trong quá trình đổi số nhà, người dân không nhất thiết phải đổi lại các giấy tờ liên quan (nếu có nhu cầu thì đến cơ quan chức năng để đổi lại).
Sở Xây dựng cho biết phấn đấu đến cuối năm nay sẽ chỉnh sửa xong toàn bộ số nhà tại TP. Trong thời gian thí điểm, các địa phương khác vẫn được cấp số nhà theo quy định hiện nay. Theo Sở Xây dựng, các quận huyện đang thí điểm việc chỉnh sửa số nhà, sau đó sở sẽ sơ kết, báo cáo trình UBND TP hoàn chỉnh, ban hành quy chế chỉnh sửa số nhà áp dụng cho toàn TP.
Đường Ấp Chiến Lược, tên chỉ có trong chiến tranh, nay vẫn tồn tại
ở P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
Không chỉ có nhiều số, những căn nhà ở P.4, Q.8, TP.HCM
còn có nhiều tên đường khác nhau - Ảnh: M.Đức.
Phải gắn với đổi tên đường
Theo Phòng quản lý đô thị quận Bình Tân, quận sẽ thí điểm thực hiện việc chỉnh sửa, cấp số nhà cho ba tuyến đường thuộc phường Bình Hưng Hòa A. Tất cả căn nhà ở các tuyến đường trên đã có số nhưng là số nhà tạm hoặc không đúng theo quy chuẩn, phải được cấp đổi cho phù hợp hướng dẫn của Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch.
Theo thống kê của quận, nếu chỉnh sửa theo tiêu chí mới thì sẽ có hơn 6.600 căn nhà trên địa bàn quận phải đổi số. Vẫn theo Phòng quản lý đô thị quận Bình Tân, vướng mắc hiện nay là công tác cấp đổi số nhà mới phải gắn với việc đặt, đổi tên đường cho đồng bộ. Thống kê cho thấy quận Bình Tân còn tới 106 con đường chưa có tên hoặc cần đặt tên lại, nếu muốn triển khai đồng loạt sẽ phải chờ có tên đường trước mới tiến hành.
Ông Đoàn Nhật, trưởng Phòng công thương huyện Bình Chánh, cho biết nếu căn cứ tiêu chí mới về cấp số nhà thì 100% các căn nhà của người dân huyện Bình Chánh đều phải đổi số. Từ trước đến nay, do là huyện ngoại thành nên cách đánh số nhà thường kèm theo tên tổ, ấp. Hiện nay nhiều xã của Bình Chánh đã đô thị hóa nhưng với cách đánh số cũ, việc tìm kiếm số nhà trên địa bàn huyện rất khó khăn. Căn cứ theo quy định đánh số nhà thì toàn bộ khoảng 70.000 căn nhà tại Bình Chánh sẽ phải đổi số.
Ông Nhật nói: “Huyện mới chỉ làm thí điểm bảy tuyến đường và chỉ đổi đối với những căn nhà mặt tiền đường, chưa đi vào các con hẻm. Nếu triển khai đổi số nhà đồng loạt thì đời sống người dân sẽ ảnh hưởng rất nhiều vì hàng loạt giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân (hộ khẩu, chứng minh nhân dân...) hay chủ quyền nhà đất sẽ phải thay đổi. Như vậy đời sống người dân sẽ rất xáo trộn”. Theo ông Nhật, sau khi thí điểm các tuyến đường trên, huyện sẽ kiến nghị TP chỉ cho chỉnh sửa một số tuyến đường, khu vực có hiện trạng đô thị hóa chứ không nên đổi đồng loạt số nhà của tất cả hộ dân.
Theo hướng dẫn của liên sở, những căn nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 và không phù hợp quy hoạch sẽ không được cấp số nhà. TP.HCM hiện có trên 11.000 căn nhà xây dựng không phép sau thời điểm trên.
Rắc rối vì chỉnh sửa nửa vời
Năm 1988, TP.HCM đã thực hiện việc đồng loạt đổi số nhà theo quyết định số 1958 ngày 13-4-1988. Tuy nhiên, việc đổi số nhà chỉ thực hiện nửa chừng rồi sau đó không triển khai nữa. Nhiều căn nhà vẫn mang số cũ tồn tại chung với những căn nhà được cấp số mới dẫn đến tình trạng số nhà lộn xộn, không theo trình tự, quy chuẩn nào và nhiều nhà bị trùng số, gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt. Chị Ngô Thị Thu, ngụ liên tỉnh lộ 5, phường 5, quận 8 bức xúc: “Nhà tôi từ trước tới giờ vẫn mang số 263/1 và chưa có quyết định đổi số mới. Tuy nhiên vài năm trước, một chủ hộ gần đó lại được cấp trùng với số nhà 263/1 của tôi dẫn đến việc thư từ, bưu phẩm đưa lộn xộn giữa hai nhà”.
Cần, nhưng cũng rối
* Cán bộ quản lý đô thị của một quận bức xúc: nhà có số như người ta có tên khai sinh. Nhưng muốn cấp đổi số nhà bài bản thì phải làm đồng loạt trên cả tuyến đường, con hẻm, chứ không thể để tình trạng cấp lỗ chỗ, nhà nào xây trái phép thì không cấp. Nếu không cấp số mới cho họ thì họ vẫn treo bảng số nhà cũ để giao dịch, mà để tình trạng số nhà nhảy nhót lộn xộn, số cũ số mới tùm lum thì việc chỉnh sửa, cấp đổi số nhà chẳng còn ý nghĩa gì cả.
* Nhiều người dân TP cho rằng việc chỉnh sửa số nhà sẽ chấm dứt những phiền toái bấy lâu do số nhà lộn xộn. Ông Phạm Tin (đường Quang Trung, P.12, Q.Gò Vấp) thổ lộ rất mong được đổi số nhà nhưng cũng nói sau khi đổi số sẽ rất căng vì hầu hết giấy tờ giao dịch đều thể hiện số cũ. Ông Tin kiến nghị nên để hai số cùng tồn tại đến khi mọi người quen với số mới (rồi bỏ số cũ) hoặc nếu đổi số nhà thì đổi luôn giấy tờ cho dân tiện giao dịch dân sư.
* Trong khi đó nhiều hộ dân tại quận Bình Tân bức xúc vì cách đây không lâu - khi tách từ huyện Bình Chánh, họ đã phải đi lại nhiều lần mới chỉnh sửa xong các loại giấy tờ tùy thân, sở hữu nhà đất. Sắp tới đồng loạt đổi số nhà, người dân lại đương đầu với nhiều thủ tục hành chính phát sinh, vừa tốn thời gian, chưa kể phải gánh thêm các khoản lệ phí cấp đổi số nhà, gia công gắn bảng số mới đều do người dân phải chịu!
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: