Một thực tế vừa được tổ công tác của UBND TP Hà Nội đã chỉ ra: TP này hiện có quá nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Đáng nói hơn, một tỷ lệ lớn trong số này tỏ ra không khả thi.
Cấp tập “dựng” dự án
So với các lĩnh vực khác, các dự án bất động sản (BĐS) chiếm 51% về số lượng các đồ án, dự án và 51,7% về tổng diện tích mặt bằng. Các dự án đầu tư nước ngoài cũng không ngoại lệ: Năm 2008, Hà Nội có 300 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép và tăng vốn với tổng số vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD.
Các dự án FDI kinh doanh bất động sản tuy chỉ chiếm 7,5% số dự án, nhưng lại chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ - theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - các dự án bất động sản hoạt động hiệu quả đến đâu chứ không phải do số lượng dự án nhiều hay ít.
Qua rà soát 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 và 1/2000, tổ công tác cho biết, trong 376 dự án đã được cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư trong phạm vi Hà Nội mở rộng, có tới 72 dự án được giao trong giai đoạn từ tháng 3-2008 đến trước 31-7-2008 - cấp tập trước thời điểm sáp nhập một số tỉnh vào Hà Nội (1-8-2008).
Trong vòng 5 năm phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, từ năm 2003 tới hết năm 2007, các địa phương thuộc Hà Nội (cũ) chỉ giao được 11.500ha đất. Thế nhưng, 7 tháng đầu năm 2008, con số đồ án được phê duyệt tăng vọt và tất nhiên diện tích đất được giao làm đô thị cũng tăng tới 11.800ha, vượt quá con số đã cấp trong cả 5 năm trước cộng dồn lại!
Theo tổ công tác, do chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng để điều chỉnh, hướng dẫn các quy hoạch vi mô nên nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư nằm trong cùng một khu vực, địa bàn (quận, huyện, xã…) chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau, đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung như đường giao thông, cấp, thoát nước; xử lý rác thải, nước thải, cấp điện...
Một thực tế khác: Phần lớn các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư đều bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vào thời kỳ năm 2007 - là thời kỳ tình hình kinh tế - xã hội, thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới còn khá thuận lợi, nhưng lại chưa được triển khai ngay, nay thời cơ đã không còn.
Theo tổ công tác, trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư khó có thể huy động đủ lượng vốn để thực hiện số lượng các dự án đầu tư lớn theo đúng tiến độ đã cam kết.
Khổ vì lỡ “ôm đất”!
Điển hình cho xu thế “ôm” đất ồ ạt ở các địa phương trước khi mở rộng Hà Nội là địa bàn 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân trước thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Riêng 7 tháng đầu năm 2008, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt 24 đồ án quy hoạch, trong đó, có 19 đồ án được phê duyệt trong cuối tháng 2-2008 và 5 đồ án được phê duyệt cuối tháng 6 và 7-2008.
Dự án khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình được thực hiện toàn bộ thủ tục từ cho phép đầu tư, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đến thẩm định quy hoạch, cấp chứng nhận đầu tư... chỉ trong… 1 ngày!
Trong khi đó, nhiều dự án khu đô thị ngay tại các quận nội đô của Hà Nội cũ cũng không “xuôi chèo mát mái”. Một số khu đô thị ở quận Cầu Giấy hiện nay vẫn có tình trạng lỗ chỗ vài ba căn nhà dang dở mọc lên giữa bãi cỏ… mọc ngang đầu người.
Đầu tháng 1-2009, 5 tháng sau thời điểm hợp nhất, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, thu hồi đất của từng dự án trên địa bàn 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân và đó chính là lý do tổ công tác của UBND TP đã được lập và đưa ra những kết quả khảo sát bước đầu kể trên.
Rất có thể, trong vài tháng tới, khi có quyết định điều chỉnh của cấp có thẩm quyền về các dự án trên địa bàn này, nhiều người “ôm” đất sẽ cực kỳ thất vọng!.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: