Top

Kích cầu kinh tế bằng xây nhà ở xã hội: Làm sao tránh “đầu voi đuôi chuột”?

Cập nhật 19/12/2008 13:56

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “nén bạc” 49.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ để xây dựng nhà ở xã hội, chắc chắn sẽ kích thích kinh tế phát triển, góp phần vượt qua suy thoái.

Từ gói này, TPHCM sẽ được đầu tư xây dựng 5.000 căn hộ xã hội. Làm thế nào để thực hiện chủ trương lớn này?

Bế tắc nhà ở xã hội


Theo kết quả khảo sát cách nay 2 năm của Cục Thống kê TP tại 18 cơ quan thuộc khối chính quyền TP, có khoảng 15% số lượng cán bộ công chức TPHCM gặp khó khăn về nhà ở và có nhu cầu nhà ở mới. Qua tính toán của Sở Xây dựng, đến năm 2010, TPHCM cần xây dựng 25.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, vũ trang… Giai đoạn kế tiếp đến năm 2020, TPHCM cần cung cấp thêm khoảng 20.000 chỗ ở.

Tổng cộng, TP cần khoảng 140 ha đất với khoảng 9.000 tỷ đồng. Về nhà lưu trú cho công nhân, đến năm 2010 TP cần khoảng 110.200 phòng; tính đến năm 2015 giải quyết 510.000 chỗ lưu trú, tương đương 30%. Tổng cộng 2 giai đoạn này, TP sẽ đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng với diện tích đất là 50 ha. Tuy nhiên, giống như “đầu voi đuôi chuột”, bàn tới bàn lui nhưng đến nay tìm đỏ mắt không thấy căn nhà xã hội nào cả!

Ngoài phương án cụ thể, TPHCM cũng từng ban hành chủ trương về nhà ở cho người có thu nhập thấp: Chỉ thị 07 vào năm 2003. Một trong những nội dung của Chỉ thị 07 là quy định các doanh nghiệp kinh doanh nhà phải bán lại theo hình thức bảo tồn vốn cho nhà nước từ 10% quỹ đất hoặc 20%, là một hình thức điều tiết tạo nên quỹ nhà.

Chủ trương lớn này đã phá sản vì không tìm được lối ra. Ngay cả khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ giữa năm 2006, trong đó có dành hẳn một mục “phát triển nhà ở xã hội” nhưng đến nay vẫn không có được căn nhà xã hội nào. Một trong những lý do mà Hiệp hội Bất động sản TP kiến nghị là nên xóa bỏ quy định bất hợp lý: nhà không cao quá 5 hoặc 6 tầng và diện tích bị khống chế không quá 60m². Bởi đối với TPHCM, loại nhà kiểu này gần như trở nên lạc hậu!

Mở rộng đối tượng, kích cầu hạ tầng!


“Có thể xem đây là cuộc đại cách mạng cho thị trường nhà đất. Thị trường sẽ lành mạnh hơn, đối tượng thiếu thốn chỗ ở sẽ có cơ hội tiếp cận nhà ở, tránh phải mua lại với giá cao do đầu cơ như thời gian qua” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hồ hởi nói.

Để thực hiện chương trình này, nên chia thành 2 đối tượng. Về đối tượng chính quyền “bảo trợ”, nên tập trung vì đất và nhà đều thuộc sở hữu nhà nước, có thể nhiều gia đình sau này có cơ hội đổi nhà, họ sẽ trả lại nhà cho chính quyền. Còn đối tượng thuê mua, nhà nước nên tập trung xã hội hóa với 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đối với nhà đầu tư, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản và các ngân hàng cung cấp tín dụng, vì lợi nhuận thấp hoặc không có nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho nhà đầu tư, bù lãi suất cho ngân hàng vì ngân hàng cho vay sẽ bị lỗ. Ngoài ra, chính quyền không nên khu biệt đối tượng là công nhân viên chức mà nên bao gồm các thành phần kinh tế khác, vì họ đều khó khăn chỗ ở và có đóng góp cho xã hội.

Về phương thức thực hiện, theo ông Lê Hoàng Châu, không nên giao độc quyền cho công ty nào mà nên xã hội hóa, tiến hành đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh về chất lượng, tiến độ… Tuy nhiên, cần có nhạc trưởng điều phối, theo đó nên thành lập hẳn Tổng cục Phát triển nhà, bởi Cục Quản lý nhà hiện nay chỉ dừng lại ở vai trò quản lý nhà nước!

Dưới góc độ doanh nhân, ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Nova, cho rằng, nhà ở xã hội là nơi tập trung an cư cho mọi thành phần trong xã hội, đòi hỏi phải có quy mô lớn với diện tích hàng trăm hécta, có quy hoạch hoàn chỉnh. Do đó, chính quyền phải tập trung đầu tư xây dựng khép kín với các công trình công cộng phúc lợi.

Vì vậy, với quỹ đất hạn hẹp hiện nay, nơi phù hợp nhất để xây nhà ở xã hội là ngoại vi TP, hình thành nên những khu đô thị vệ tinh như Hiệp Phước (Nhà Bè), Tây Bắc Củ Chi, Lâm Viên (quận 9)… Nhằm kéo dãn cộng đồng dân cư về nơi đây, cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông từ nơi ở đến các quận trung tâm, nơi làm việc bằng tuyến đường cao tốc, rút ngắn thời gian lưu thông trong khoảng thời gian 30 - 45 phút đi ô tô.

Muốn có vốn thực hiện, chính quyền nên phát huy tối đa hiệu quả đầu tư vốn từ quỹ đầu tư hạ tầng của các định chế tài chính hoặc sử dụng công cụ chính sách như: đổi đất lấy hạ tầng, phát hành trái phiếu đầu tư hạ tầng giao thông, BOT hoặc BT vào việc phát triển hạ tầng giao thông. Những chính sách để phát triển hạ tầng giao thông từ nguồn vốn toàn dân là rất quan trọng, điều đó mới phát triển đô thị bền vững.

Nếu ví chương trình nhà ở xã hội là một cỗ xe thì thủ tục hành chính lại là động cơ của cỗ xe đó. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, muốn thực hiện được chủ trương lớn này, chính quyền cần làm cuộc “cách mạng” đối với thủ tục nhà đất, đầu tư xây dựng, như đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp vay vốn đầu tư…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng