Chậm trễ đang là tình hình chung trong hoạt động giải ngân nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đến ngày 31/12, nếu Công ty TNHH Pegasus Fund (Hoa Kỳ) không triển khai Dự án Pegasus 2, với tổng vốn đầu tư 4,8 triệu USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng ven biển đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 2/2006, thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho nhà đầu tư này.
Trước đó, nhà đầu tư này cũng đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản tạm dừng xây dựng Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, do chưa tiến hành các thủ tục đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 56 triệu USD, với diện tích đất sử dụng là 360 ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2007, nhưng đến tháng 9/2008, vốn thực hiện mới chỉ đạt khoảng 0,1 triệu USD.
Trong tháng 12/2008, UBND Thừa Thiên Huế còn buộc phải rút giấy chứng nhận đầu tư của Dự án Khu du lịch Vinh Thanh - Phú An, do Công ty Victoria làm chủ đầu tư. Như vậy, trong năm 2008 này, Thừa Thiên Huế đã phải rút giấy phép của hai dự án đều do chậm triển khai.
Phòng Kinh tế - Đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh) cũng cho biết, trong năm nay, dù không nhiều, song Bắc Ninh có khoảng 1 - 2% số dự án FDI bị rút giấy chứng nhận đầu tư. Phần lớn các dự án đó có quy mô nhỏ, được cấp giấy phép từ những năm trước, trong các lĩnh vực cơ khi lắp ráp, xe máy.
Theo một chuyên viên của Phòng thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh đang phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp đề nghị nhà đầu tư có văn bản chính thức đề nghị giãn, hoãn tiến độ theo cam kết tại giấy chứng nhận đầu tư, nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư tiếp theo. Địa phương cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Chậm trễ đang là hình ảnh chung trong hoạt động giải ngân của nhiều dự án FDI trên cả nước. Riêng với những dự án quy mô trên 1 tỷ USD sử dụng nhiều diện tích đất ở khu vực miền Trung, lý do hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực trình độ cao cũng đang tiếp tục khiến nguồn vốn FDI đăng ký nằm ở dạng tiềm năng. Đến hết năm 2008, tổng số vốn đăng ký của các dự án chưa giải ngân được trên toàn quốc lên tới 100 tỷ USD.
Vướng mắc từ phía địa phương mà nhiều nhà đầu tư bị liên lụy vẫn là việc chậm giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo rà soát tình hình giải ngân các dự án FDI năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khá nhiều địa phương đã không thực hiện được việc bố trí đủ đất cho các dự án quy mô lớn như đã cam kết trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là với các dự án 100% vốn nước ngoài.
Theo quy định, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng và phải giao đất sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hạn hẹp và tâm lý e ngại khiến tình trạng giải phóng mặt bằng khá chậm trễ.
Bên cạnh đó, sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào cũng là nhân tố tác động không tốt tới tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ giải ngân các dự án. Hàng loạt hệ thống hạ tầng các khu kinh tế mới được thành lập gần đây, như Chân Mây, Nhơn Hội, Nam Phú Yên... phát triển quá chậm so với nhu cầu đầu tư phát triển các dự án FDI, gây quan ngại và cản trở tiến độ giải ngân các dự án FDI trong các khu kinh tế này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: