Một số đại biểu HĐND TP HCM cho rằng, thành phố này có đến 13 dự án sân golf là quá nhiều, không cần thiết.
Và đây cũng là một trong những nội dung mà Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM sẽ báo cáo về kết quả giám sát việc quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 14 (sẽ khai mạc vào ngày 2/12).
Sân golf nằm giữa nội thành
Hiện TP HCM đã quy hoạch tổng cộng 13 sân golf, trong đó có 6 dự án đã được cấp phép đầu tư, nằm trên các địa bàn quận 2, quận 9, Gò Vấp, Bình Chánh, Củ Chi.
Bên cạnh đó, TP HCM hiện có 7 dự án sân golf khác đang xin chủ trương đầu tư, xem xét cấp phép gồm hai sân tại xã Phước Kiểng và xã Long Thới (huyện Nhà Bè), một tại phường Long Phước (quận 9), một ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), một tại khu đô thị Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), một tại xã Tân Nhật (huyện Bình Chánh) và một sân golf nữa tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ).
Theo các chuyên gia về địa ốc, hầu hết những sân golf đã và đang xem xét cấp phép trên địa bàn TP HCM đều nằm ở những vị trí đắc địa. Đáng chú ý nhất là việc quy hoạch đất trong sân bay Tân Sơn Nhất làm sân golf. Theo quy hoạch đã được duyệt, sân golf này có tổng diện tích hơn 162 ha. Đi kèm sân golf 36 lỗ này là hàng loạt khu công trình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, trung tâm đào tạo, trường học quốc tế… Đặc biệt là khu căn hộ cao cấp và biệt thự, với 1.166 căn hộ và 70 căn biệt thự.
Nghịch lý
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, 13 sân golf là quá nhiều, gây lãng phí đất đai, và đây sẽ là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng đối với yêu cầu bảo vệ nguồn nước ngầm của thành phố. Từ đó, Ban này kiến nghị UBND thành phố cần phải xem xét, điều chỉnh quy hoạch theo hướng: đối với các dự án đã cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc chỉ mới hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng thì chuyển thành các khu chức năng khác.
Trao đổi với Đất Việt, Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, có đến 13 cái sân golf là một nghịch lý và ngay cả 6 dự án đã được duyệt cũng là không hợp lý. Theo ông Nghĩa, HĐND phải đấu tranh mạnh mẽ để 6 dự án sân golf đã được cấp phép, phải được nghiêm túc xem xét lại. Dự án nào dừng được thì phải dừng chứ nếu không, những dự án này được thực thi thì lúc ấy quỹ đất của thành phố sẽ không còn.
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh, đối với quỹ đất của TP HCM, không nên quy hoạch bất kỳ một sân golf nào, bởi hiệu quả việc sử dụng quỹ đất để kinh doanh sân golf sẽ không hiệu quả bằng làm việc khác. Đầu tư vào sân golf còn ảnh hưởng đến môi trường rất lớn. Bằng chứng là, cả nước có gần 140 dự án sân golf nhưng chỉ có 17 dự án là khả thi, hiệu quả. “Trong khi thành phố còn rất bức xúc về quỹ đất xây nhà cho người nghèo, tái định cư, bệnh viện, trường học lúc nào cũng quá tải… và ngay cả nông nghiệp đô thị cũng bức xúc vì quỹ đất bị thu hẹp, thì tại sao lại cho phép có quá nhiều sân golf đến vậy? Thế giới người ta làm sân golf là lấy đất hoang, đồi núi, rồi tạo cảnh quan, còn ở mình thì cứ lấy đất nông nghiệp, đất ở, rồi đắp đồi, núi làm sân golf là việc làm rất khó hiểu, cần phải xem xét lại”, ông Nghĩa nêu ý kiến.
Luật sư, Đại biểu HĐND Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, đối với những dự án đã cấp giấy phép rồi thì cũng phải xét lại xem có khả thi không, còn đối với những dự án chưa cấp phép thì không nên cấp. Chi phí cho đầu tư sân golf quá tốn kém nhưng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng rất lớn. “Thực tế vừa qua đã cho thấy đang có sự quản lý tương đối lỏng lẻo đối với sân golf hiện hữu. Do vậy, trong việc cấp phép sắp tới cần phải cân nhắc kỹ”, luật sư Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa nói thêm rằng, thời gian qua nhiều cử tri cũng đặt vấn đề có khuất tất đằng sau những dự án sân golf. Vì sao? Tỉ lệ đất trong một dự án sân golf không chiếm quá 50%, còn lại là resort, biệt thự, căn hộ và nhiều thứ khác nữa. Chưa kể khi dự án đã được duyệt thì vài năm sau, lấy lý do nào đó, chủ đầu tư xin thay đổi mục đích sử dụng đất và thường là dự án sân golf biến thành dự án nhà ở, văn phòng cho thuê cao cấp. Phải chăng đây là biến tướng trong việc sử dụng đất?
Sáu dự án sân golf tại TP HCM đã được cấp phép, gồm: Sân golf Hoa - Việt tại Lâm Viên, quận 9 đang hoạt động. Hai sân golf khác là Sing - Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và sân golf GS tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đều đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sân golf Sài Gòn Tourist tại xã Long Trường, quận 9 đang lập quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1 trên 500 và bồi thường giải phóng mặt bằng. Sân golf của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn tại quận 2 chưa triển khai. Sân golf Sân bay Tân Sơn Nhất tại quận Gò Vấp đã lập quy hoạch chi tiết 1 trên 2000 và đền bù hỗ trợ di dời công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: