Gần đây, rất nhiều công trình xây dựng, có cả công trình vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trị giá hàng trăm tỷ đồng bị vướng quy định “tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại”. Việc thỏa thuận của không ít công trình kéo dài hàng năm trời vẫn chưa xong. Công trình phơi nắng, phơi mưa, còn chủ đầu tư thì phải “gánh” lãi suất từng ngày.
Khó thống nhất mức bồi thường
Nghị định 180/2007/NĐ-CP với quy định “Công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm dột… công trình lân cận thì phải ngừng thi công để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì kiện ra tòa…” đã khiến nhiều chủ đầu tư khổ sở, nhiều công trình phải… nằm chờ mà thời hạn chờ thì không xác định được.
Cụ thể, công trình 14 Phan Tôn, quận 1 xây dựng ảnh hưởng đến nhà bên cạnh, phải ngừng thi công. Theo bên bị thiệt hại, mức bồi thường bao gồm: chi phí thuê nhà 30 triệu đồng/tháng, chi phí di dời nhà 700 triệu đồng, riêng phần chi phí do mất công ăn việc làm, mất tiền lương vì phải xin nghỉ việc để dời nhà, họp hành, khiếu nại, vé máy bay, thuê luật sư… được liệt kê đến hơn 1 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đưa ra mức bồi thường 300 triệu đồng, là giá mà họ cho rằng đã phải bấm bụng để bồi thường nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và vì ngán thủ tục kiện tụng quá lâu.
Dĩ nhiên, sự chênh lệch quá lớn đã khiến hai bên không thỏa thuận được nên phải mời công ty kiểm định. Kết quả, công ty kiểm định xác định thiệt hại chỉ 117 triệu đồng, tức chưa bằng 10% mức mà bên bị thiệt hại yêu cầu bồi thường.
Mâu thuẫn tiếp tục diễn ra, bên bị thiệt hại chứng minh số tiền đòi bồi thường ngày một tăng, lên gần 2 tỷ đồng, trong khi bên chủ đầu tư chỉ tăng tiền bồi thường lên 350 triệu đồng. Sau hơn một năm thương lượng, cuối cùng hai bên thống nhất… đưa nhau ra tòa.
Theo nhiều chủ đầu tư, chính quy định “phải ngưng thi công đến khi bồi thường xong công trình” đã khiến họ bị… bắt chẹt! Nếu phải kiện ra tòa thì thời gian tố tụng của một vụ án (qua sơ thẩm, phúc thẩm, có khi hủy án sơ thẩm xét xử lại từ đầu) có thể kéo dài đến hàng năm trời, thậm chí nhiều năm, mà như vậy thì đất bỏ không, vốn nằm chờ, thiệt hại gấp nhiều lần.
Một chủ đầu tư ở quận 10 cho biết đã phải chấp nhận bồi thường cho sự cố tường nứt gần bằng với giá xây nhà mới; trong khi thiệt hại được thẩm định chỉ 300 triệu đồng nhưng phải bồi thường lên đến 1 tỷ đồng, để khỏi nằm chờ!
Đã có hướng ra!
Công trình số 11D Thi Sách, quận
1 đang thi công phải ngừng lại để
bồi thường các hộ dân kế cận.
Ảnh: Thành Tâm.
Chỉ tay vào tòa nhà bên cạnh, ông Allan Tây - người Singapore - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Trung tâm Thương mại và Căn hộ Sài Gòn (SAJV), chủ đầu tư công trình 11D Thi Sách, quận 1 nói: “Vì chờ bồi thường mà công trình của chúng tôi phải ngừng thi công, trong khi dự án bên cạnh xây cùng lúc đã hoàn thành, đưa vào kinh doanh khai thác”.
Ông kể, hành trình “chờ” của mình: Khi công trình làm hư hỏng, sụt lún chung cư số 5 Nguyễn Siêu (ảnh hưởng 26 hộ dân), SAJV đồng ý hỗ trợ di dời các hộ dân đi nơi khác, hỗ trợ tiền thuê nhà lên đến 3 triệu đồng/người/tháng (có gia đình khai nhân khẩu hơn chục người).
Hầu hết các hộ trong chung cư đồng ý phương án sửa chữa, gia cố, còn một số hộ thì… tiền vẫn nhận nhưng nhà vẫn ở hoặc không cho nhà đầu tư vào gia cố, đòi tăng mức bồi thường. Thậm chí, có người còn “gợi ý” xây mới lại chung cư, trong khi chung cư ấy đã “già” trên… 40 tuổi (kết quả kiểm định theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra)!
Ông Allan Tây cho biết, công ty bảo hiểm công trình chỉ chấp nhận bồi thường phần sửa chữa, SAJV chấp nhận chịu phần gia cố để mong đẩy nhanh tiến độ. Thế nhưng, đến giờ vẫn còn một số hộ không hợp tác nên việc sửa chữa, gia cố công trình không tiến hành được.
Hiện nay, mỗi tháng SAJV bị thiệt hại nửa tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho các hộ dân tạm cư (đến giờ đã ngưng thi công hơn 1 năm). “Tập đoàn chúng tôi đầu tư rất nhiều nước trên thế giới nhưng ít gặp trường hợp như thế này” - ông nói.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Tấn Bền cho biết quan điểm của ông là chính quyền không chỉ quản lý mà còn phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian qua Sở đã báo cáo, kiến nghị vấn đề này lên Bộ Xây dựng và UBND TP. Phương án Sở đề xuất là tách riêng phần khắc phục sự cố kỹ thuật công trình với việc bồi thường thiệt hại.
Tức là nếu chủ đầu tư đề xuất được phương án thi công an toàn, không để sự cố tiếp diễn và được tổ chức tư vấn có năng lực thẩm tra, xác nhận việc tiếp tục thi công không gây mất an toàn cho cả công trình đã bị ảnh hưởng và các công trình lân cận khác thì được thi công tiếp. Còn việc đền bù do tổ chức bảo hiểm chịu trách nhiệm”.
Đề xuất này đã được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng- đơn vị được Bộ Xây dựng phân công trả lời- chấp nhận, UBNDTP cũng đồng tình. Đối với công trình đầu tư nước ngoài 11D Thi Sách, UBND TP đã ban hành văn bản chỉ đạo, sau khi chủ đầu tư trình phương án kỹ thuật đảm bảo an toàn, các hộ dân phải di dời cho chủ đầu tư sửa chữa, nếu hộ dân nào không chấp hành thì cưỡng chế.
Với phương án này, hy vọng nhiều công trình sẽ được “cởi trói”. Việc một số cá nhân lợi dụng quy định “chờ bồi thường” để làm “khó” chủ đầu tư sẽ không còn. Và đặc biệt là tránh gây lãng phí cho xã hội, làm trong sạch môi trường đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: