Top

Khu vực cầu Rạch Miễu sốt đất ảo

Cập nhật 07/03/2009 08:45

Ông Phạm Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bến Tre, cho biết từ ngày cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được đưa vào sử dụng, giá đất mặt tiền Quốc lộ 60, đoạn dẫn vào cầu Rạch Miễu thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành (Bến Tre) có tăng giá nhưng chỉ tăng nhẹ.

“Cò” hét giá trên trời

Ngày 6-3, trong vai một người tìm mua đất làm trang trại, chúng tôi ghé quán nước gần khu du lịch Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang, khi biết chúng tôi có ý định mua đất, người phụ nữ ở quán nước liền kêu chồng ra tiếp thị: “Anh mua bao nhiêu cũng có nhưng bây giờ giá cao lắm rồi nghen!”. Chúng tôi gạ hỏi: Cao là cao bao nhiêu? Người này cho biết: “Khi chưa có cầu Rạch Miễu giá chỉ 30 triệu đồng/công (1.000 m2), còn bây giờ lên tới 550 triệu đồng/công lận!”. Tuy nhiên, khi chúng tôi khảo sát giá tại những khu đất mà ông chủ quán nước quảng cáo có giá 550 triệu đồng/công thì nhiều chủ đất cho biết họ chỉ rao bán với giá 300 triệu đồng/công.

Tiếp tục khảo sát giá tại những vị trí mặt tiền Quốc lộ 60, thuộc tỉnh Bến Tre (đoạn gần trạm thu phí), chúng tôi được một người đàn ông tên Tư V. cho biết từ ngày có cầu Rạch Miễu, ngoài việc mở quán bán cà phê, ông còn kiêm luôn dịch vụ môi giới đất. Ông V. cho biết nếu gặp “cò” thì đất mặt tiền khu vực này được hét giá từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/m2. Còn giá thực tế của nó chỉ từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/m2. Sau đó, ông V. dẫn chúng tôi đến chỉ một thửa đất nằm cạnh trạm thu phí và nói: “Chủ đất chỉ kêu giá 2,5 triệu đồng/m2 thôi. Nếu mua được thì tôi kiếm 1% tiền huê hồng!”. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này có nhiều thửa đất treo bảng rao bán. Tuy nhiên, khi gọi đến số điện thoại trên bảng thì những người phía đầu dây bên kia “hét” giá 7 triệu đồng/m2. Ông V. lý giải: Số điện thoại mà các anh vừa gọi không phải là chủ đất mà là “cò” đất.

Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết từ ngày có cầu Rạch Miễu, nhiều người đổ xô về đây tìm mua đất. Tuy nhiên, số người mua được rất ít vì chê giá cao. Chỉ một vài đại gia bỏ tiền mua hàng loạt lô đất, cho san lấp mặt bằng, sau đó nhờ “cò” tiếp thị và hét giá.

Đền bù bị... vạ lây!

Theo UBND huyện Châu Thành, huyện đang triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Kinh phí đã có nhưng hiện đang vướng đền bù, thu hồi đất vì người dân đòi giá quá cao, phải bằng với giá mà các doanh nghiệp đến mua đất. “Do bị ảnh hưởng các “đầu nậu” hét giá trên trời ở những vị trí mặt tiền quốc lộ nên người dân cứ dựa vào đó đòi giá đền bù cao, khiến UBND huyện rất khó triển khai dự án”- một lãnh đạo huyện Châu Thành cho biết.

Còn theo ông Phạm Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bến Tre, cơn sốt đất ở khu vực gần cầu Rạch Miễu chỉ là sốt ảo chứ thực tế giá đất không tăng gấp mười lần như người dân đồn thổi. Trên thực tế khi làm thủ tục sang tên đổi chủ, cơ quan thuế vẫn thu trước bạ theo giá quy định của UBND tỉnh.

Theo dự đoán của nhiều nhà kinh doanh bất động sản, việc giá đất ở khu vực cầu Rạch Miễu sốt giá ảo chỉ một thời gian ngắn rồi sẽ trở về bình thường. Cụ thể, trước khi khánh thành cầu Rạch Miễu, ở khu vực xã An Khánh, huyện Châu Thành, một công đất mặt tiền giáp với Quốc lộ 60 được rao bán với giá 1 tỉ đồng, nhưng nay chỉ còn 500 triệu - 600 triệu đồng.

Đất ở bờ Tiền Giang “đóng băng”

Trong khi giá đất Quốc lộ 60 bờ Bến Tre đang sốt ảo thì tại bờ Tiền Giang, đất mặt tiền cặp Quốc lộ 60 rơi vào tình trạng “đóng băng”. Nhiều nhà kinh doanh bất động sản cho biết từ năm 2002 đến nay, giá đất ở khu vực bờ Tiền Giang không biến đổi nhiều. Giá đất mặt tiền khoảng từ 5 -6 triệu đồng/m2, đất trong hẻm chỉ bằng 1/3 giá đất mặt tiền. Trong khi đó, cũng vào thời điểm 2002, đất ở bờ Bến Tre chỉ có 30 triệu đồng/công. Theo anh Phan Tấn Lộc, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang, từ ngày khánh thành cầu Rạch Miễu đến nay, mặc dù giá đất phía bờ Tiền Giang không tăng nhưng cũng không có ai mua.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động