Việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đang nổi cộm nhiều vấn đề nhức nhối. Bên cạnh tình trạng "phạt cho tồn tại" lâu nay, ở TPHCM, việc xử phạt các lỗi vi phạm sai phép (chủ yếu ở các dự án dân cư) lại được thanh tra cấp xã, phường áp dụng một cách máy móc.
Ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đã có cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động.
* Thưa ông, vì sao việc xử lý các vi phạm xây dựng sai phép đang trở thành điểm nóng tại TPHCM, khiến người dân bức xúc vì cách hành xử của thanh tra xây dựng?
- Đúng là đang có hiện tượng này, và Thanh tra Bộ Xây dựng đang phải chấn chỉnh. Từ khi NĐ 89 ra đời (NĐ về thí điểm thành lập thanh tra cấp phường xã, quận huyện đối với hai TP là Hà Nội và TPHCM), tình trạng xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn phải nói là đã được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả quản lý bước đầu đã được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, đã có hiện tượng cán bộ thanh tra xã, phường, quận, huyện vận dụng văn bản hướng dẫn một cách máy móc do trình độ năng lực cán bộ có hạn chế.
Theo ghi nhận của nhân dân thì việc hiểu và vận dụng các quy định pháp luật về xử lý các trường hợp xây dựng sai phép đã bị thanh tra vận dụng mỗi nơi một kiểu. Đối với các công trình dân cư, quy định chỉ yêu cầu chủ xây dựng phải tuân thủ về khoảng cách xây dựng (chỉ giới đường đỏ), cốt nền, kiểu dáng kiến trúc được quy hoạch tỉ lệ 1:500 quy hoạch, kết cấu, chiều cao, màu sắc...
Việc thay đổi thiết kế về nội thất trong mỗi ngôi nhà, nếu không liên quan đến kết cấu, kiến trúc thì không bị coi là sai phép và bị xử phạt... Tuy nhiên, có trường hợp chủ xây dựng chỉ thay đổi giếng trời, hay bố trí lại khu vực vệ sinh, một số chi tiết nội thất, cũng bị thanh tra cho là sai thiết kế là không đúng.
Chúng tôi đã yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM làm ngay hướng dẫn chỉ đạo thanh tra 24 quận, huyện xác định rõ thế nào là công trình sai phép, chứ không rập khuôn máy móc là vi phạm bản vẽ thiết kế xây dựng để xử phạt.
Tới đây, trong thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng về NĐ 23 (NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng) vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực sau 45 ngày) sẽ phải quy định rất rõ điều này.
* Theo ông, liệu có phải chỉ do năng lực của thanh tra xã, phường yếu kém, hay còn do cố tình hiểu không đúng quy định xử phạt để "hành dân"?
- Theo đánh giá của chúng tôi, thanh tra xã, phường được thí điểm thành lập ở 2 TP lớn, nhưng công tác phát hiện, xử lý vi phạm xây dựng ở HN thời gian qua làm tốt hơn TPHCM, nên không dẫn đến những bức xúc khiếu kiện của dân.
Một trong yếu tố này là năng lực cán bộ thanh tra ở HN tốt hơn, có bài bản và được đào tạo. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ thanh tra ở TPHCM là chuyển từ đội quản lý trật tự đô thị sang, nhiều người không có nghiệp vụ, việc vận dụng pháp luật có hạn chế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số quy định, hướng dẫn trong NĐ 126 (NĐ về xử phạt hành chính cũ) còn chung chung, dẫn đến cách hiểu sai.
* Theo quy định tại NĐ 23 mới, mức xử phạt các hành vi vi phạm trong xây dựng tối đa có thể lên đến 500 triệu đồng, cùng với đó là chế tài rút giấy phép xây dựng. Để việc vận dụng không bị lạm dụng và "hiểu sai" như quy định xử phạt hành vi sai phép, Bộ Xây dựng cần hướng dẫn chế tài gì?
- NĐ 23 đã khắc phục được những bất cập của NĐ 126 cũ là quy định rất cụ thể mức xử phạt. Với mức xử phạt rất nặng, sẽ có tác dụng răn đe cao để không còn tình trạng phạt cho tồn tại như trước đây. Mức xử phạt tối đa 500 triệu đồng/trường hợp được quy định thẩm quyền xử phạt là cấp Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng tới đây sẽ phải làm rõ các chế tài về rút giấy phép xây dựng, như trường hợp nào thì rút giấy phép 1 năm, 2 năm, trường hợp nào rút vĩnh viễn. Như vậy, phải rất cụ thể. Chúng tôi cũng sẽ quy định trong thông tư về việc xử phạt nghiêm các sai phạm do tư vấn gây ra.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: