Top

Đăk Nông: Chuẩn bị khởi công nhà máy luyện oxid nhôm

Cập nhật 06/03/2009 11:30

Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV) đã hoàn tất việc san ủi mặt bằng chuẩn bị khởi công nhà máy luyện oxid nhôm tại xã Nhân Cơ (huyện Đăk Rlấp). Với diện tích 200 hecta, các hạng mục phụ trợ khác như đường vào nhà máy, khu nhà điều hành… cũng đã hoàn thành.

Để gấp rút chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng nhà máy thì công ty đã tiến hành xong việc khoan khảo sát địa chất, địa hình nhà máy. Nhà máy luyện oxid nhôm này có công suất 600.000 tấn/năm. Được biết, cùng với TKV, công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ đã lên đường sang Trung Quốc để ký hợp đồng xây dựng nhà máy với công ty cổ phần nhôm Trung Quốc (Challico).

Giải toả hơn 500 hecta

Theo dự kiến thì đến đầu quý 2 năm nay, công ty sẽ làm lễ khởi công xây dựng nhà máy. Bên cạnh khu 200 hecta đã được san ủi, một khu vực cạnh đó có diện tích 300 hecta cũng đã hoàn tất việc di dời, giải toả đền bù cho người dân. Theo quy hoạch diện tích này sẽ được dùng để xây dựng nơi chứa bùn đỏ, là chất thải trong quá trình luyện quặng bôxit. Đã có khoảng hơn 400 hộ dân di dời bàn giao mặt bằng cho công việc triển khai các dự án. Được biết giá mức giá đền bù để giải phóng mặt bằng từ 105 – 360 triệu đồng cho một hecta.

Theo kết quả thăm dò của tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 5,4 tỉ tấn quặng bôxit nguyên khai (gần 2,4 tỉ tấn tinh quặng) tập trung tại năm huyện, thị xã, chiếm 61% trữ lượng cả nước. Đăk Nông sẽ có bốn tổ hợp khai thác bôxit, sản xuất oxid nhôm là Nhân Cơ (Đăk R’lấp), Đăk Glong, Gia Nghĩa và Đăk Song. Từ nay đến hết năm 2012, TKV sẽ tập trung xây dựng nhà máy luyện oxid nhôm công suất 600.000 tấn/năm. Giai đoạn 2016 – 2025, các nhà máy luyện oxid nhôm sẽ được nâng cấp, mở rộng quy mô, công suất lên 3 – 4 triệu tấn/năm. Riêng nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ được nâng công suất lên 1,2 triệu tấn/năm.

Bên cạnh việc nhà máy luyện oxid nhôm tại Nhân Cơ sắp sửa được xây dựng, còn có dự án khai thác bôxit, luyện oxid nhôm và sản xuất nhôm tại Đăk Nông, do tập đoàn Alcoa (Mỹ) hợp tác với TKV. Theo đó, sẽ xây dựng tại thị xã Gia Nghĩa một nhà máy luyện oxid nhôm có công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu tấn/năm. Hai tập đoàn này giữ vai trò chính trong việc tìm kiếm và thu hút nguồn tài chính để xây dựng một tuyến đường sắt Đăk Nông – Lâm Đồng – Phan Thiết vận chuyển oxid nhôm xuống cảng biển để xuất khẩu. Quan trọng nhất là cam kết của tập đoàn Alcoa sẽ sản xuất nhôm tại Đăk Nông.

Dự kiến, đến năm 2015, khi oxid nhôm được sản xuất ổn định và các nhà máy thuỷ điện có công suất lớn đi vào hoạt động, tập đoàn Alcoa sẽ tiếp tục hợp tác với TKV đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất nhôm tại Đăk Nông.

Có tiền “bồi bổ” cho đất

Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Nông đã xây dựng ba phương án quản lý, sử dụng diện tích đất trong quá trình khai thác bôxit. Phương án đầu là tỉnh thu hồi và cho chủ đầu tư thuê đất có thời hạn. Phương án hai là tỉnh thu hồi đất, quy hoạch lại và giao đất cho các chủ sử dụng cũ sau khi khai thác. Cuối cùng là tỉnh thu hồi đất, các chủ sử dụng đất cũ tự chuyển ngành nghề. Sau khi đánh giá, cân nhắc, sở tài nguyên và môi trường đã tham mưu cho tỉnh và đề nghị với chủ đầu tư chọn phương án thứ nhất.

Theo phương án này, khi khai thác sẽ tiến hành theo kiểu cuốn chiếu, hết lô khoảnh này đến lô khoảnh khác, giải phóng mặt bằng đến đâu tổ chức khai thác đến đó, khai thác xong đến đâu thì san lấp mặt bằng và bàn giao đất lại cho chủ sử dụng đất cũ.

Việc khai thác phải tuân theo nguyên tắc: bóc tầng phủ lớp đất mặt canh tác để riêng một bên, lớp đất còn lại để riêng một bên; sau khi khai thác xong việc san lấp cũng phải tuân theo tuần tự lớp đất bóc sau thì phải lấp trước và lớp đất mặt canh tác sẽ san lấp sau cùng. Riêng lớp đất mặt, chủ đầu tư phải đầu tư một lượng nhất định phân hữu cơ, phân vi sinh để bồi bổ đất (hoặc trả một khoản tiền bồi bổ đất cho từng chủ sử dụng để họ thực hiện việc này). Sau khi hoàn thành việc khai thác, san lấp và bồi bổ đất, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao đất lại cho các chủ sử dụng đất cũ. Chủ đầu tư dự án Alumin Nhân Cơ cũng đã đồng ý khai thác mỏ theo phương án thứ nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị