Gần 8 năm đã trôi qua, đoạn đường khoảng 50m nối từ khu đô thị mới Linh Đàm ra đường Giải Phóng vẫn chưa được thi công theo thiết kế đã được phê duyệt, tạo thành một “nút cổ chai” trên tuyến cửa ngõ phía Nam thành phố.
Tình trạng ùn tắc giao thông đã thành chuyện thường ngày, được nhiều người bức xúc phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng ngay cạnh đó, một khu dân cư với cái tên khá mĩ miều “Cầu Tiên” lại chỉ có những ngôi nhà lụp xụp, cũ nát không biển số; đường đất quanh năm hết bụi mù đến ngập lụt; cuộc sống của gần trăm con người hàng ngày gắn với nước giếng khoan...
Thực hiện văn bản số 2677/UB - NNĐC ngày 25-10-2000 của UBND TP về việc giao đất xây dựng đường ven hồ giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện Dự án khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, chính quyền xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay là phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai) đã phối hợp với chủ đầu tư là Tổng Công ty phát triển nhà & đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) thực hiện công tác kê khai GPMB. Từ năm 2000, 21/33 hộ có đất trong chỉ giới GPMB đã được kê khai, xác định xong nguồn gốc sử dụng đất, trình Hội đồng GPMB phê duyệt theo quy định, còn 11 hộ chưa đồng ý với chính sách hỗ trợ, đền bù.
Trong sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của bộ mặt đô thị, đã 8 năm nay khu dân cư này vẫn mang nguyên hình hài cũ và tất nhiên ngày một tàn tạ hơn. Những mảng tường rêu xám xịt, những mái ngói thủng lỗ chỗ, những bậc cửa thấp hơn đường gần một mét - hậu quả của mỗi mùa mưa phải tôn cao đường để lấy lối đi (ảnh 1).
Mang tiếng dân cư nội thành mà nhà nào cũng phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt, nước thải không có lối thoát, ngấm loanh quanh rồi lại chảy ngược vào nhà. Đến mùa mưa, nhà nhà sắm máy bơm nhưng rồi không biết bơm đi đâu, đành phải đóng cống, tắt máy. Không thể sửa chữa, cải tạo hay xây mới, nhiều ngôi nhà cấp 4 xuống cấp đến mức chủ nhân phải cho người lao động ngoại tỉnh thuê, thậm chí bỏ hoang để chuyển đi nơi khác sinh sống.
Cách đó chỉ vài chục mét, một khu tái định cư rộng 6.000m2 với kết cấu hạ tầng như đường bê tông, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, cột đèn chiếu sáng, trạm biến áp... đã được xây dựng hoàn chỉnh từ năm 2004 nay vẫn để cỏ mọc, tràn ngập rác và phế thải xây dựng (ảnh 2). Phản ánh đến báo Hà Nội Mới, một người dân khu vực ngậm ngùi: “Đã 8 năm nay, ngày nào tôi cũng đi qua đây, nhìn mà tiếc. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới được chuyển đến chỗ dành cho mình, chấm dứt những ngày tháng chờ đợi thấp thỏm ?”.
Đi tìm câu trả lời cho người dân khu Cầu Tiên, chúng tôi gặp ông Phùng Trung Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt. Ông Hải cho biết, hầu hết các ngôi nhà trong chỉ giới GPMB vốn thuộc khu tập thể của Công ty Hà Thủy - đơn vị quản lý, khai thác khu vực hồ Linh Đàm thời gian trước. Sau khi đơn vị này giải thể, một số hộ dân lấn chiếm, san lấp đất công mở rộng diện tích sử dụng, mua đi bán lại các căn hộ tập thể. Có hộ ban đầu chỉ có 24m2 sau tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông đất. Đây cũng là số hộ chưa thống nhất với phương án hỗ trợ, đền bù GPMB còn hầu hết người dân khu vực đều mong muốn dự án sớm được triển khai để họ được an cư lạc nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư, ông Tạ Dũng - Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực 2 - HUD cho biết, hai nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc thi công nút giao thông Cầu Tiên là sự khó khăn trong công tác GPMB và nguồn vốn. Hiện còn 11 hộ dân chiếm hơn 50% diện tích mặt bằng dự án không cho tổ công tác tiến hành điều tra, kê khai.
Theo xác định của chính quyền địa phương, phần lớn diện tích đất của các hộ này có nguồn gốc đất khai hoang, san lấp hồ. Khó khăn thứ hai là vốn. Vào thời điểm dự án mới triển khai (năm 2000) tổng kinh phí đầu tư chỉ khoảng 2 tỷ đồng nhưng thời điểm hiện nay đã lên đến 50 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo thành phố đề nghị tháo gỡ khó khăn này nhưng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo chính thức.
Thiết nghĩ, với những hộ dân cố tình gây khó khăn cho công tác GPMB, chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ dự án. Còn việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo chính thức của TP, được biết chủ đầu tư đang xây dựng phương án tự huy động vốn. Hy vọng rằng trong thời gian ngắn nữa, nút giao thông Cầu Tiên sẽ phong quang, sạch đẹp xứng đáng với tên gọi của nó.
Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: