Top

Khiếm khuyết thị trường bất động sản Việt Nam

Cập nhật 18/01/2008 10:00

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, hội nhập WTO đi liền với mở cửa các lĩnh vực thương mại và dịch vụ, nhiều công ty nước ngoài đã, đang và sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam làm tăng nhu cầu về bất động sản (BĐS).

Thời gian gần đây, lĩnh vực BĐS Việt Nam đã thu hút được khá lớn các nguồn vốn xây dựng khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê cao cấp... Song theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng TP.HCM, trong một vài năm tới, nhu cầu văn phòng loại A, B là vào khoảng 200.000m2, và khoảng 10.000 phòng khách sạn hạng 3-5 sao.

Còn tại các đô thị lớn, nhu cầu về các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị, nhà ở cao cấp… cũng đang thu hút được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến trong giai đoạn 2006-2010 Việt Nam sẽ thu hút được từ 8-10 tỷ USD vốn cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào BĐS.

Hội nhập WTO, ngành xây dựng Việt Nam cũng đang có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng mới, kinh nghiệm quản lý… để giảm giá thành xây dựng, thúc đẩy phát triển các loại BĐS. Các DN BĐS Việt Nam do được cọ sát, tiếp xúc nhiều với các DN mạnh của nước ngoài cũng có thêm cơ hội đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả kinh doanh theo hướng sáp nhập, giải thể các đơn vị yếu kém hình thành nên các tập đoàn kinh tế mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, thị trường BĐS Việt Nam còn bộc lộ khá nhiều khiếm khuyết. Nhận định về sự phát triển thị trường BĐS Việt Nam sau hơn 1 năm hội nhập WTO, các chuyên gia thị trường đã chỉ ra 4 yếu kém lớn.

Thứ nhất là, thiếu tính chuyên nghiệp ở cả hệ thống chính sách đến các chủ thể tham gia thị trường. Cơ chế, chính sách, quy trình và thủ tục đầu tư BĐS của Việt Nam chưa thích ứng với thông lệ quốc tế khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng vì phải mất nhiều thời gian.

Thứ hai, tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam chưa cao. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị chưa theo kịp tiến trình phát triển đất nước. Hầu hết các dự án BĐS lớn vẫn phải thực hiện theo cơ chế “xin - cho”. Việt Nam cũng chưa có cơ chế cung cấp thông tin thị trường BĐS một cách hữu hiệu. Tình trạng giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để tăng giá BĐS diễn ra phổ biến làm cho thông tin về thị trường BĐS “méo mó”, không phản ánh đúng thực tế khiến cho mức độ rủi ro trong kinh doanh BĐS rất cao.

Thứ ba, chưa có cơ chế tài chính BĐS phù hợp để thúc đẩy thị trường phát triển. Thị trường BĐS cần phải liên thông với thị trường vốn, trong khi đó, hệ thống ngân hàng lại chưa sẵn sàng cho vay dài hạn, lãi suất cho vay trung hạn còn cao khiến cho thị trường BĐS “khát” vốn.

Thứ tư, hệ thống hạ tầng cơ sở của Việt Nam yếu kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông; các dự án BĐS tập trung ở khu vực trung tâm các đô thị chưa phát triển ra vùng ngoại ô nên thị trường BĐS Việt Nam kém sức hút và không mở rộng được phạm vi cũng như quy mô.

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, thị trường BĐS Việt Nam cần phải được điều chỉnh kịp thời mới có thể tận dụng tốt cơ hội WTO mang lại, mà ở đây chính là sự tự điều chỉnh của các chủ thể tham gia thị trường bao gồm cả nhà nước và các DN.

Trên cơ sở đó, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, cải cách các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh BĐS. Cơ chế và nội dung các thông tin cần thiết về thị trường BĐS (về quy hoạch, về thị trường…) cung cấp cần phải sẵn sàng, dễ tiếp cận để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội. Về phía các DN cần thẳng thắn nêu khó khăn, vướng mắc cụ thể đã gặp phải trong quá trình đầu tư BĐS, đề xuất giải pháp xử lý đối với Nhà nước.

Cần thiết lập những hình thức, mô hình hợp tác trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS giữa các DN trong nước với các DN trong khu vực và thế giới từ khâu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đến các khâu hợp tác đầu tư, cung cấp dịch vụ liên quan đến BĐS nhằm khai thác thế mạnh của của các DN trong nước thông hiểu thị trường với các DN nước ngoài có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh BĐS. Ngoài ra, cần tăng cường biện pháp khai thác các nguồn tài chính cho phát triển BĐS, đặc biệt cho lĩnh vực nhà ở theo hướng phát huy nội lực kết hợp với ngoại lực. Có thể hình thành các quỹ đầu tư BĐS và tiêu chuẩn hóa các công cụ, quy trình cho vay thế chấp, cơ chế bảo hiểm, bảo lãnh cho vay… tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn vốn đầu tư vào BĐS.

Theo VNEO