Top

Giá đất Đà Nẵng: Ba tháng tăng 200-300%!

Cập nhật 18/01/2008 08:00

Chỉ trong vòng ba tháng gần đây, giá đất tại nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường mới đã tăng lên gấp 2 - 3 lần. Hai quận được xem "nóng" nhất hiện nay ở Đà Nẵng là quận Hải Châu và Sơn Trà. Nguyên nhân nào khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng biến động?

Giá tăng phi mã

Tại một trung tâm giao dịch bất động sản (BĐS) đóng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), Q. - một nhân viên mua bán địa ốc - sau khi nghe khách hàng muốn mua một lô đất tại khu dân cư (KDC) D84 (có hạ tầng hoàn chỉnh trên đường Phạm Văn Đồng) đã lắc đầu: "Đất đó hết sạch rồi. Nếu có giá cũng ngất ngưởng".

Theo Q., đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng đã tăng từ 11 triệu lên 25-27 triệu đồng/m2 tùy theo đoạn. Tương tự, giá đất tại KDC D84 cũng đã tăng từ 5 lên 10 triệu đồng/m2. Ngoài KDC D84, một loạt KDC khác cũng đồng loạt tăng phi mã.

Cuộc đua tăng giá đất nền tiếp tục lan qua các KDC thuộc phường Hòa Cường (quận Hải Châu), nơi có lượng đất nền khá lớn đang "ngủ đông". Giá đất nền trên các trục đường Trường Sa, Nguyễn Hữu Thọ, KDC số 1, 2, 3, 4, 5, 6 đã tăng vọt trong khoảng hai tháng gần đây.

Thành, "cò” đất tại một trung tâm giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Hữu Thọ, không ngần ngại khi hét giá 2,7 tỉ đồng cho một lô đất 120m2 mặt tiền đường quận Sơn Trà như An Đồn, An Cư 3, An Cư 3 mở rộng... Tương tự, giá đất của đường Trường Sa, đường 7,5m, đường 10,5m các KDC tăng gấp đôi, gấp ba lần.

Dễ cảm khi thời tiết thay đổi

NH Nhà nước cảnh báo thị trường BĐS sẽ biến động mạnh khi Nhà nước ban hành các chính sách về thuế nhà đất, quản lý địa chính và kinh doanh BĐS. Và những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến việc cho vay BĐS của các NH.



Giá lên vì tin đồn

Vì sao giá đất tăng vọt vào những tháng cuối năm 2007?

Một chuyên gia nhận định: cuối năm là thời điểm người dân có tiền, lượng kiều bào về nước nhiều khiến nguồn tiền dư trong dân tăng. Họ mua đất trữ là sự lựa chọn đầu tiên. Đặc biệt, các dự án lớn trên địa bàn như cầu Rồng - đường Nguyễn Văn Linh nối dài, cầu mới Trần Thị Lý, dự án VinaCapital đang khởi động cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS.

Giá BĐS tăng còn do tin đồn. Hơn một tháng qua, thông tin được truyền đi là TP sẽ tiến hành đền bù "trọn gói" với giá cao cho các hộ dân trong diện giải tỏa trắng dự án cầu Rồng - đường Nguyễn Văn Linh nối dài. Ngược lại các hộ dân giải tỏa phải tự lo liệu chỗ ở của mình. Thông tin này được tung ra đã làm 1.317 hộ dân bị giải tỏa trắng của dự án cầu Rồng xôn xao. Ngay lập tức, rất nhiều người trong số đó đã đổ xô đi tìm mua đất, đẩy giá đất tăng vọt.

Ông Trần Đình Quỳnh - trưởng BQL các dự án công trình Bạch Đằng Đông, đơn vị chịu trách nhiệm giải tỏa, bố trí tái định cư cho 962 hộ dân thuộc dự án cầu Rồng - khẳng định: "Đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được thông tin nào về phương án đền bù giải tỏa theo hình thức trọn gói. Hiện chúng tôi đang lập phương án tái định cư theo chỉ đạo của TP".

Tiềm ẩn rủi ro

"Tôi thừa nhận việc thị trường địa ốc Đà Nẵng "sốt" trong vài tháng trở lại đây có sự góp sức từ nguồn vốn khá thoáng của ngân hàng (NH)" - ông Trần Thanh Vân, giám đốc NH Đầu tư & phát triển chi nhánh Đà Nẵng, nói.

Từ tháng 10-2007 trở lại đây, việc cạnh tranh cho vay mua nhà đất từ các NH cổ phần ở Đà Nẵng diễn ra khốc liệt. Các NH không ngại tăng tỉ lệ cho vay so với tài sản bảo đảm, từ 50% lên 70%, 75%, thậm chí 80% tổng giá trị nhà - đất. Một số NH còn tăng số tiền cho vay, khuyến khích vay bằng các chính sách khá thoáng về điều kiện vay, ưu đãi về lãi suất, kéo dài thời gian vay đến 20 năm.

Theo NH Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2007, tổng dư nợ cho vay BĐS của 42 NH, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã vượt trên 3.000 tỉ đồng. Theo ông Võ Minh - phó giám đốc chi nhánh NH Nhà nước Đà Nẵng, 50% dư nợ trên là của cá nhân, 50% còn lại thuộc các nhà đầu tư mua đi bán lại.

Theo ông Minh, giá BĐS ở Đà Nẵng đang ở mức cao so với thực tế, không phải là do cầu vượt cung, mà do nhiều nhà đầu tư mua đất để đầu cơ và thông tin "ảo" từ các "cò” BĐS. "Thị trường BĐS Đà Nẵng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Minh nhấn mạnh.

Tham gia đấu giá đất để đẩy giá?

Vụ đấu giá khu đất A2.1 (đường Phạm Văn Đồng) vào đầu tháng 12-2007 đã được một nhà đầu tư "chốt" giá 14,4 triệu đồng/m2, chênh 9,4 triệu đồng/m2 so với giá sàn. Cùng thời điểm này, một khu đất rộng 450m2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ cũng được đưa ra đấu với giá trúng cao ngất ngưởng 33,9 triệu đồng /m2 (giá sàn 9 triệu đồng/m2).

Sau "thành công" của vụ đấu giá, đất tại các KDC bán trên hai trục đường Trường Sa và Nguyễn Hữu Thọ đã tăng theo. Thế nhưng theo xác nhận của ông Ngô Đức Hùng - phó trưởng BQL các dự án tái định cư Đà Nẵng - đơn vị chủ trì cuộc đấu giá nói trên: đến nay vị chủ nhân - người từng đưa ra mức giá 33,9 triệu đồng/m2 nói trên - vẫn chưa đến làm các thủ tục nộp tiền mua đất dù đã đặt cọc 220 triệu đồng.



Theo Địa Ốc TTO