Top

Huyện Từ Liêm: Tỷ lệ cấp phép tăng, nhưng còn nhiều bất cập

Cập nhật 18/01/2008 10:00

Với địa bàn có tốc độ đô thị hoá mạnh như ở Từ Liêm, thì quản lý đô thị và trật tự xây dựng đang là vấn đề “nóng” hiện nay. Sở dĩ “nóng” bởi tỷ lệ xây dựng ở khu vực này thuộc hàng cao nhất thành phố, thế nhưng quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000 và 1/500) ở Từ Liêm vẫn chưa được phủ kín, mặt khác, sự chồng chéo, bất cập trong các quy định cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý cấp phép xây dựng.

Nhận thức của người dân được nâng cao

Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Xây dựng đô thị huyện cho biết, nếu như năm 2006, Từ Liêm chỉ cấp được giấy phép xây dựng (GPXD) cho khoảng 70 công trình, thì năm 2007, có tới 346 hồ sơ xin cấp và gần 300 trường hợp được cấp GPXD, trong đó chỉ có 1 GPXD của doanh nghiệp. Điều này khẳng định ý thức của người dân trong huyện đã được nâng cao và trách nhiệm của các xã, thị trấn cũng có chuyển biến.

Tuy nhiên để tạo cho người dân thói quen xin giấy phép trước khi xây dựng, trước đó, Phòng đã chủ động phối hợp với Đài phát thanh huyện tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và trưởng thôn, cán bộ quản lý trật tự xây dựng các xã, thị trấn về quy định liên quan tới quy hoạch - kiến trúc, xây dựng - đô thị, nhất là văn bản phân cấp của thành phố cho quận, huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp GPXD, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết.... tại bộ phận “một cửa”.

Với quy trình này, hầu hết các trưởng thôn, cán bộ phụ trách trật tự xây dựng xã, thị trấn đã “thuộc bài” và có thể tư vấn cho người dân về quy trình, thủ tục để có bộ hồ sơ đầy đủ xin cấp GPXD và thực hiện luôn cả chức năng giám sát chính quyền. Theo ông Tuấn, do các quy định trong công tác này vẫn còn bất cập nên để “quản chặt”, phòng đã thực hiện chế độ báo cáo thông qua hai loại sổ “giao nhận hồ sơ”, “sổ khởi công”.

Trong các sổ này đều ghi rõ điều kiện khởi công của mỗi công trình với các đề mục như: thông báo của chủ đầu tư, GPXD, các giấy phép khác, quyết định đầu tư, cam kết bảo vệ môi trường, hợp đồng thu gom phế thải, biện pháp tổ chức thi công...Trên cơ sở đó, hàng tháng phòng kiểm tra và đối chiếu “nhật ký” giữa 2 sổ nên chỉ cần “vênh” nhau là phát hiện ngay công trình vi phạm.

Bất cập trong quy định mới

Với quy trình quản lý nhà nước như vậy có thể nói là khá chặt chẽ, nhưng thực tế vì cách “đặt tên” những vi phạm khác nhau đã gây hiểu sai bản chất của sự việc ảnh hưởng tới công tác quản lý. Cụ thể là những công trình xây dựng trên đất canh tác bấy lâu nay vẫn gọi là “công trình không phép’, trong khi bản chất là công trình trái phép. Ông Tuấn cho rằng, nếu “gọi đúng tên” những vi phạm này là trái phép thì công tác quản lý sẽ đi vào quy củ hơn, vì nếu là công trình trái phép thì việc xử lý thuận lợi hơn rất nhiều và tỷ lệ xi cấp phép cũng tăng hơn do xử lý triệt để hơn.

Một vấn đề bất cập khác là Quyết định 79/2007/QĐ-UBND của TP quy định: các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không phải xin phép xây dựng, trừ các công trình chỉ phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật - điểm đ khoản 2 Điều 3”. Nếu quy định như vậy thì vô hình chung những công trình chỉ phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách nhà nước được UBND huyện phê duyệt (các công trình này thuộc thẩm quyền phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng của huyện) vẫn phải xin GPXD và như vậy sẽ trùng lắp thẩm quyền phê duyệt dự án và cấp GPXD.

Hơn nữa, hồ sơ xin cấp GPXD nhà ở nông thôn nếu chỉ yêu cầu hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng là sơ đồ mặt bằng xây dựng không thôi sẽ rất khó cho cơ quan cấp phép trong công tác quản lý theo quy chuẩn xây dựng và khi kiểm tra.

Như vậy, với việc tăng tỷ lệ cấp phép ở Từ Liêm từ25% (năm 2006) lên 65% (năm 2007) là sự tiến bộ rõ nét trong công tác cấp GPXD ở vùng đô thị hoá mạnh, nhưng rõ ràng, tỷ lệ này chắc chắn còn cải thiện hơn nếu các cấp, các ngành cùng vào cuộc và những bất cập trong quy định mới được tháo gỡ.

Theo Kinh Tế & Đô Thị