Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết, 6 tháng đầu năm, hơn 3.000 giấy phép xây dựng đã được cấp (khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái) nhưng tỉ lệ công trình xây dựng không phép vẫn cao. Tỉ lệ công trình xây dựng không có giấy phép vẫn chiếm hơn 20%, còn số xây sai phép chiếm khoảng 7% các công trình đã được cấp phép xây dựng.
Nói khả quan, bởi con số 3.037 giấy phép xây dựng được cấp trên toàn thành phố Hà Nội trong nửa đầu 2007 so với cùng kỳ năm 2006 đã tăng 62%. Số giấy phép phân cấp cho các quận, huyện thực hiện cũng tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đạt được con số này - theo Sở Xây dựng Hà Nội, có lý do nhờ chính quyền các cấp đã được phân cấp mạnh trong cấp phép xây dựng; nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa và công khai; tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cấp phép được chấn chỉnh... nên các chủ đầu tư không "ngại" nữa!
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, một lý do quan trọng nữa khiến các chủ đầu tư tự giác xin phép xây dựng hơn - là chứng kiến những xử lý kiên quyết, dứt điểm của Thành phố đối với các công trình không phép, sai phép thời gian qua, hết hy vọng "nộp phạt rồi tồn tại"!
Song, tổng kết nửa năm qua, tỉ lệ công trình xây dựng không có giấy phép vẫn chiếm hơn 20%, còn số xây sai phép chiếm khoảng 7% các công trình đã được cấp phép xây dựng.
Để có cơ sở thực hiện tốt hơn công tác này, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quy định cấp giấy phép xây dựng (mới) kèm theo Quyết định 79/2007/QĐ-UBND, thay thế Quyết định ra vào tháng 3/2006. Trong đó, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được phân cấp rõ ràng: UBND xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch được duyệt, thuộc địa giới hành chính do xã quản lý.
Chỉ những công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, công trình tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa, tượng đài, tranh hoành tráng và nhà mặt đường tiếp giáp 24 phố lớn: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Bài, phố Huế, Bạch Mai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Bà Triệu - mới do Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép.
Các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ đô thị (không tiếp giáp mặt các phố trên) do UBND quận, huyện cấp phép xây dựng.
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng gồm: địa điểm, vị trí công trình; tuyến xây dựng công trình; loại, cấp công trình; cốt xây dựng công trình; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; bảo vệ môi trường và an toàn công trình... Cùng với đó, đối với các công trình dân dụng, công nghiệp trong đô thị, ngoài các nội dung trên còn phải "chốt" thêm về diện tích xây dựng công trình, chiều cao từng tầng, chiều cao tối đa toàn công trình, màu sắc...
Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: