Top

Nan giải bài toán tái định cư - Bài 1: Có nhà nhưng chưa an cư

Cập nhật 18/07/2007 16:00

Làm thế nào để người dân khi bị thu hồi đất được tái định cư (TĐC) ở nơi tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ là mục tiêu mà các dự án TĐC của TPHCM đeo đuổi. Lãnh đạo TPHCM cũng bỏ ra rất nhiều công sức để mục tiêu này thành hiện thực. Đến nay, theo báo cáo của Sở Xây dựng, có đến 93% trong số 4.636 hộ tạm cư dài hạn đã được bố trí vào các khu TĐC, nghĩa là chỉ còn 7% phải sống tạm cư. Nhưng trên thực tế, không ít nơi TĐC chưa thể được xem là chốn an cư, nói gì đến chuyện lạc nghiệp.

Nhiều khu TĐC “3 không”

Từ cầu Tham Lương quẹo vào, chạy dọc tuyến đường Phan Văn Hớn, mặt đường đầy ổ voi, ổ gà, không có vỉa hè, mưa thì nước đọng lại từng vũng, nắng thì bụi bay mù mịt… Chúng tôi đến khu TĐC thuộc dự án chỉnh trang khu Gò Đệ (quận 12), người dân đã được giao nền để xây dựng nhà từ năm 2004 nhưng đến nay con đường nội bộ tại đây vẫn chỉ là những con đường đất đỏ, cỏ mọc um tùm; hạ tầng cơ sở như điện, nước, hầm cống thoát nước… chưa có.

Một số hộ dân do chưa có hộ khẩu phải mắc điện nhờ với giá cao ngất ngưởng. Anh Nguyễn Văn Phát, một cư dân ở đây cho biết: “Tôi xây dựng nhà từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa có hộ khẩu nên phải câu nhờ điện của nhà bên cạnh, nước thì phải xài nước giếng…”. Vừa nói anh Phát vừa chỉ rạch nước phía trước nhà: Hệ thống cống thoát nước không có, người dân phải đào rãnh để cho nước thoát mỗi khi trời mưa xuống. Bác Huỳnh Văn Y (61 tuổi) băn khoăn nói thêm: “Mấy năm nay, chúng tôi phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt nhưng khu vực này có cả mồ mả nên không biết nguồn nước bảo đảm hay không?”

Bác Y bức xúc: “Khi được bố trí về khu TĐC này, chúng tôi đã phải đóng tiền cơ sở hạ tầng 10 - 20 triệu đồng/hộ nhưng đến giờ mưa xuống trước mắt vẫn toàn là nước. Hệ thống thoát nước không có, sức chứa của các hầm thoát nước trong nhà quá tải nên chỉ cần động nhẹ vào nền nhà là nước bên dưới tràn ra lênh láng… Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp, thậm chí HĐNDTP nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Nhiều người phải bán nhà để “chạy” đi nơi khác”.

Những khu TĐC như kiểu trên tại TPHCM là con số không nhỏ. Mới đây, khi chất vấn giám đốc Sở Xây dựng tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 11, đại biểu HĐNDTP Đặng Văn Khoa cũng đã đưa lên hình ảnh “cánh đồng bất tận” của khu TĐC “3 không” Bình Hòa (quận Bình Thạnh): không điện, không nước và không đường đi.

Sống trong những khu TĐC như thế có nên xem là đã được bố trí TĐC? Vì thế, không thể mừng với con số 93% hộ tạm cư được bố trí TĐC mà các ngành đã báo cáo.

Có cái này thiếu cái kia



Chung cư Thạnh Mỹ Lợi quận 2 đã hoàn tất nhưng
chưa bố trí vào ở do hạ tầng chưa hoàn chỉnh.
 Ảnh: Huy Anh


Một trong những nguyên nhân khiến công tác TĐC gặp nhiều vướng mắc là việc thực hiện các dự án TĐC chưa đồng bộ. Người dân sống tại các khu tạm cư mỏi mòn chờ bố trí TĐC nhưng nhiều chung cư đã hoàn tất vẫn chưa thể bố trí người dân vào ở, nền đã giao nhưng người dân chưa xây dựng được…

Các hộ dân tạm cư thuộc các dự án chợ An Khánh, vòng xoay chân cầu Sài Gòn đang nóng lòng để được bố trí TĐC tại dự án Thạnh Mỹ Lợi nhưng vẫn phải chờ. Khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thủ Thiêm làm chủ đầu tư với 192 căn hộ, ba lô chung cư A4, A5, A6 đã hoàn thành nhưng đường dẫn vào chung cư vẫn ngổn ngang, lổn nhổn đá sỏi. Đó là chưa kể hạng mục hệ thống chiếu sáng, cây xanh đang trong giai đoạn đấu thầu nên chưa triển khai thi công.

Khu TĐC 17,3 ha Thủ Thiêm (quận 2) có đến vài chục hộ đã bốc thăm nhận nền nhưng vẫn chưa có đường để chở vật liệu vào. Một số khu TĐC ở quận 2 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới hoàn thành nhưng đã có dấu hiệu nứt, không đảm bảo chất lượng nên chưa thể bố trí người dân vào ở. Người dân thuộc dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn phải sống tạm cư do chung cư được bố trí TĐC chưa duyệt giá bán. Còn khu TĐC Man Thiện 2 (quận 9) đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh việc đấu nối điện do còn vướng 16 hộ chưa giải tỏa…

Đó là chưa kể việc một số chủ đầu tư không có năng lực, thiếu vốn, thiếu trách nhiệm, thi công lề mề như khu dân cư Lý Chiêu Hoàng (quận 6) từ khi có thiết kế đến khi thực hiện là khoảng 10 năm; chung cư Him Lam, chung cư Phạm Ngọc Phương đã đến thời hạn giao nhà vẫn chưa thực hiện xong…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã nhiều lần đề nghị làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với những chủ đầu tư thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm thế nhưng số doanh nghiệp bị xử lý vẫn là con số không tròn trĩnh. Và nghịch lý là Nhà nước phải chi trả tiền tạm cư hàng tháng cho những người dân sống tạm cư. Tính đến tháng 9-2006, TP đã chi 160 tỷ đồng tiền tạm cư cho người dân. Một con số không hề nhỏ!

Theo Hạnh Nhung, Đình Lý - Sài Gòn Giải Phóng