Top

Hà Nội: Thị trường nhà ở phía Đông Sông Hồng sôi động

Cập nhật 01/11/2008 01:00

Theo đánh giá của ông Renato Shordon, Phó Giám đốc Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (chuyên về tư vấn, quản lý bất động sản): Một phần của Hà Nội nằm phía Đông sông Hồng đang được phát triển thành khu dân cư và thương mại lớn mặc dù vẫn còn những định kiến cho rằng đây không phải là khu vực nội thành Hà Nội.

Hiện tượng này cũng diễn ra ở các nước khác trên thế giới nhưng sẽ biến mất khi giá bán và tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm đạt đến mức độ khó chấp nhận được.

Các dự án nhà ở điển hình phía Đông Sông Hồng bao gồm bốn dự án tại Hà Nội là: Khu đô thị mới (KĐTM) Việt Hưng đầu tư bởi Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Thành phố mới Thạch Bàn của Berjaya, KĐTM Đặng Xá, KĐTM Sài Đồng; và hai dự án ở Hưng Yên là: KĐT sinh thái Eco Park đầu tư bởi Vihajico và KĐT Villa Park đầu tư bởi Viet Asia Land. Tỷ lệ trống cao của hai dự án KĐTM Đặng Xá và Sài Đồng cho thấy tầm quan trọng của điều kiện giao thông và chất lượng công trình.

Dự án ưu việt nhất là KĐTM Việt Hưng. Giai đoạn I của dự án đã hoàn thành và giai đoạn II đang trong quá trình thi công xây dựng. KĐTM này có diện tích hơn 300 hecta tại quận Long Biên, Hà Nội với điều kiện giao thông, đi lại dễ dàng từ đường Nguyễn Văn Cừ. Với giá bán chung cư hiện tại chỉ là 700USD/m2, 1.900 căn đã được được bán hết. Khu biệt thự cũng đã được bán hết với giá bán khoảng 1.000USD/m2. Đó là dự án được biết đến nhiều nhất trong số các KĐTM nằm phía bên kia sông mặc dù chất lượng và các tiện ích vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, dự án Thành phố mới Thạch Bàn (TPMTB) của Berjaya mới khởi công và sẽ là dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của khu vực này. Dự án Thành phố mới Thạch Bàn là một dự án đô thị phức hợp hiện đại đang được đầu tư xây dựng bởi nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Dự án này nằm ngay giữa một vài dự án cơ sở hạ tầng lớn hiện tại và tương lai bao gồm dự án mở rộng đường vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa mới khởi công vào tháng 5/2008.

Ông Renato Shordon nhận định: Các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Cầu Thanh Trì và các tuyến đường nối với cầu sẽ là trục nối thành phố với khu vực phía Nam Hà Nội, Hà Đông và khu vực phía Tây (đườngPhạm Hùng). Việc kéo dài quốc lộ 5 sẽ khiến cho việc đi lại tới sân bay Nội Bài thuận tiện hơn. Thêm vào đó, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ là đường cao tốc hiện đại nhất toàn miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải công nghiệp, thương mại và cá nhân di chuyển với tốc độ cao từ Hà Nội tới Hải Phòng. Hạ tầng cơ sở đã và đang được cải thiện, thị trường nhà ở phía Đông sông Hồng đang mở ra cho người dân Hà Nội thêm nhiều sự lựa chọn mới với mức giá “mềm” hơn so với sống ở khu nội đô.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới