Top

Hà Nội: Quyết không bán “vội” số biệt thự còn lại

Cập nhật 19/04/2008 10:00

Cả Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở TN-MT và NĐ đều đứng lên trình bày, giải trình, nhưng đề án bán biệt thự vẫn phải khất lại. Lý lẽ của đại biểu, đây là vấn đề rất lớn, nhạy cảm, trong khi tờ trình đề án còn sơ sài.

Thực tế việc góp ý, tranh luận xung quanh đề án này chiều 18/04 còn gay gắt, nóng bỏng hơn phiên chất vấn buổi sáng.

Theo tờ trình về phương án quản lý nhà biệt thự, trong tổng số 805 biệt thự trên địa bàn thành phố có: 149 biệt thự (với 397 hộ) đã bán trọn biển; 522 biệt thự đang bán dở dang - đan xen sở hữu (2.500 hộ đã mua trên tổng số 3.891 hộ thuê); 42 biệt thự không được phép bán; 62 biệt thự trong danh sách bán, nhưng người ở thuê chưa mua.

Đối với 522 biệt thự đang bán dở dang, UBND TP đề nghị HĐND TP giao UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục bán trong năm 2008 theo cơ chế giá bán như giá bán đối với nhà ở riêng lẻ có giá trị sinh lợi cao ở mặt đường, mặt phố.

Góp ý với tờ trình, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, những biệt thự còn lại của thành phố như “đồ cổ”, rất quí giá. Theo bà An, mỗi m2 biệt thự tính ra là nhiều cây vàng, trong khi nhiều biệt thự rộng tới 500-600m2 nên phải thận trọng trong việc bán, kể cả những biệt thự đang bán dở. Quan điểm bà An nêu ra là chậm chắc còn hơn nhanh ẩu.

Đại biểu Trần Văn Quýnh bày tỏ tán đồng, quản lý biệt thự là vấn đề lớn và nhạy cảm. Nói quản lý biệt thự không đơn thuần là việc bán hay không bán. Ngay cả với 42 biệt thự không được bán, có cần bảo tồn không, bảo tồn như thế nào cũng phải đặt ra trong đề án. Chưa hết, với những biệt thự thực hiện bán, nếu người mua phá đi không gian kiến trúc cũ, làm mới, đề án cũng chưa đề cập tới.

“Thực trạng giá trị của các biệt thự là yếu tố quan trọng nhất lại không được đề cập trong đề án”, đại biểu Phạm Xuân Hằng bày tỏ. Ông Hằng đề nghị rà soát lại thực trạng, nhất là giá trị của các biệt thự, kể cả các biệt thự đang bán, chưa bán và không được phép bán.

Vấn đề bức xúc và… đau lòng!

Vấn đề được đẩy lên cao khi Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Lê Quang Nhuệ “bật dậy” tại bàn chủ tọa. Ông Nhuệ cho rằng, sở dĩ kỳ họp lần trước của HĐND chưa thông qua đề án vì đây là vấn đề quá lớn, giải trình của thành phố lại chưa rõ.

Ông Nhuệ cũng truyền ý kiến của Mặt trận Tổ quốc với Thường trực HĐND, nếu thông qua đề án là chưa thể hiện trách nhiệm với nhân dân. Vấn đề đặt ra theo ông Nhuệ là việc rà soát biệt thự được bán và chưa được bán đã kỹ lưỡng chưa? Dẫn chứng được ông Nhuệ nêu ra như một bài học là biệt thự 1B Đặng Thái Thân chỉ được bán với giá hơn chục tỉ đồng (trong khi năm trước, các chuyên gia BĐS đã định giá vài trăm tỉ đồng). “Biệt thự là tài sản của nhân dân nên cần cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Nhuệ nhấn mạnh.

Ông Nhuệ cũng phân tích, một biệt thự rộng 500m2 có 10 hộ chung sống, giá trị nhiều trăm tỉ đồng, các hộ mua xong ở lại cũng… khổ. Nhưng nhiều trường hợp các hộ dân mua rồi thống nhất bán cho một người rồi chuyển sang chỗ khác.

Từ đó, ông Nhuệ đặt vấn đề, tại sao không giao Công ty quản lý nhà của thành phố dùng ngân sách mua lại các biệt thự, đồng thời có giải pháp chuyển người dân tới các khu đô thị mới. “Tôi tin người dân sẵn sàng rời các căn hộ 10-15m2 đến ở các căn hộ mới rộng rãi”, ông Nhuệ phân tích.

Phía đưa ra tờ trình, PCT Vũ Hồng Khanh trong phát biểu sau đó đã mong HĐND “đồng cảm” với cố gắng của UBND TP. Ông Khanh trình bày, để có được đề án này, hội đồng chuyên môn đã rất cố gắng, đã trình lên UBND TP hai lần. UBND cũng đã nâng lên đặt xuống trước khi đưa ra trình HĐND.

Cũng theo ông Khanh, có 1.344 hồ sơ mua thuộc 522 biệt thự đã nộp lên sở TN-MT&NĐ, nếu không bán, các hộ này có kiến nghị sẽ khiến thành phố lúng túng.

Về giải pháp bỏ tiền ngân sách ra mua lại các biệt thự theo ông Khanh đã được đề cập từ thời ông Hoàng Văn Nghiên còn là Chủ tịch UBND TP, nhưng đã không thực hiện được. Ông Khanh đề nghị HĐND cho phép bán tiếp 522 biệt thự đang bán dở dang. Với 42 biệt thự không được phép bán, thành phố sẽ có phương án quản lý, nâng cấp. 62 biệt thự người dân chưa có đơn xin mua, thành phố cũng sẽ có phương án chi tiết để xin ý kiến HĐ… Nhưng giải trình của ông Khanh vẫn không thuyết phục được các đại biểu.

“Tôi đồng ý để chậm lại việc thông qua đề án”, đại biểu Nguyễn Tiến Thắng bày tỏ chính kiến. Ông Thắng cho rằng, nếu cần thiết có thể đề nghị các đại biểu HĐND xuống xem xét các biệt thự, coi đó như một dịp tiếp xúc cử tri vì theo ông đây là vấn đề “bức xúc” và “đau lòng”. Ông khẩn khoản: “Đề nghị lãnh đạo thành phố vui lòng trả lời người mua đã nộp hồ sơ, chưa nộp hồ sơ là vấn đề chưa quyết định được, HĐND phải tiếp tục đi nghe vì đề án thiếu tính thuyết phục”.

Chủ tọa điều khiển buổi họp quyết định, thực hiện biểu quyết với việc chưa thông qua đề án. 63/72 đại biểu có mặt (chiếm 70,78% tổng số đại biểu) đã tán thành chưa thông qua đề án.

Theo Dân Trí