Top

Hà Nội: Nói mạnh, liệu có làm mạnh?

Cập nhật 13/03/2010 15:15

Hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội đang đứng trước khả năng bị dừng dự án nếu tiếp tục chần chừ, không nộp hồ sơ quy hoạch cho thành phố.


Hà Nội tiến hành một đợt tổng rà soát các đồ án quy hoạch và dự án xây dựng lớn nhất từ trước tới nay .

Mặc dù đã lọt qua “cửa” sát hạch của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, nằm trong danh mục 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng đầu tiên được “thông quan” trong đợt tổng rà soát năm 2009, thế nhưng, hiện còn tới hơn 100 chủ đầu tư vẫn lần lữa, chưa chịu nộp hồ sơ để thành phố khớp nối hạ tầng.

Chần chừ sẽ bị loại

Sau gần 1 năm tiến hành rà soát hơn 700 dự án, đồ án đã và đang trong quá trình triển khai tại Hà Nội mở rộng, giữa năm 2009, Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục hơn 240 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn được tiếp tục triển khai.

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, dù đã nắm trong tay “tấm vé” lên tàu sớm nhưng các chủ đầu tư, nhà đầu tư vẫn cần nộp 3 bộ hồ sơ về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500 đã được phê duyệt về Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Đây là việc làm cần thiết để thành phố xác định các đồ án, dự án cần điều chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Ngoài ra, các chủ đầu tư phải liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để được hướng dẫn thủ tục liên quan khác. Trong các văn bản được công bố công khai, thành phố Hà Nội cũng đã nêu rất rõ “nếu chủ đầu tư không nộp hồ sơ coi như từ chối thực hiện dự án”.

Đáng tiếc, dù thành phố Hà Nội đã nhiều lần hối thúc, song không phải chủ đầu tư nào cũng hợp tác. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, sau khi danh mục các đồ án, dự án qua được “cửa” rà soát chừng 2 tháng, đến nay mới chỉ có khoảng 100 chủ đầu tư nộp hồ sơ. Sau khi được thúc giục, thậm chí cảnh cáo “sẽ báo cáo thành phố tìm hướng xử lý”, đã có thêm một số doanh nghiệp hợp tác, song tới nay vẫn còn tới 101 chủ đầu tư vẫn đang nợ hồ sơ quy hoạch.

Về hướng xử lý đối với 101 đồ án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đợt 1 nhưng chưa nộp hồ sơ rà soát theo quy định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, sẽ tiếp tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và có văn bản gửi trực tiếp cho chủ đầu tư để tiếp tục cung cấp hồ sơ cho tổ công tác rà soát, khớp nối hạ tầng kỹ thuật. Nếu sau 30 ngày chủ đầu tư nào không nộp hồ sơ, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện theo trình tự quy định. Đây được xem là hạn chót bởi thành phố không thể tiếp tục “dài cổ chờ đợi các chủ đầu tư”, ông Bình cương quyết.

Không cẩn thận sẽ “loạn” điều chỉnh

Trong 224 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng đã qua cửa ải đầu tiên, vẫn còn 101 chủ đầu tư vẫn đang “nợ” hồ sơ quy hoạch.

Bên cạnh 101 đồ án, dự án chưa có hồ sơ, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị hướng xử lý và triển khai các dự án còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tổng số hồ sơ rà soát đã thực hiện là 143, trong đó 112 hồ sơ do chủ đầu tư cung cấp. Nhiều hồ sơ nhất là các quận, huyện Từ Liêm (35), Hà Đông (34), Mê Linh (26), Thanh Trì (16), Hoài Đức (15)… Nguyên tắc chung là phải phù hợp với định hướng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng trục Thăng Long. Đồng thời, xem xét các dự án, đồ án ảnh hưởng bởi hành lang sông Nhuệ và vành đai xanh (từ đường vành đai 4 đến sông Đáy).

Tới nay, các cơ quan liên quan đã thống nhất phân loại các dự án, đồ án đã qua rà soát thành 3 loại. Loại 1 bao gồm 50 đồ án, dự án được tiếp tục triển khai, không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các dự án, đồ án thuộc loại này sẽ được thông báo ngay cho chủ đầu tư triển khai theo quy định hiện hành. Loại 3 gồm 6 dự án, đồ án không nằm trong phạm vi phát triển đô thị, công nghiệp, hoặc bị ảnh hưởng bởi trục Thăng Long và trong phạm vi vành đai xanh theo đồ án quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục xem xét thêm.

Loại 2 với số lượng nhiều nhất, gồm 87 dự án, đồ án phải điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. UBND TP Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư lập quy hoạch điều chỉnh, khớp nối hạ tầng đảm bảo đồng bộ cũng như tổ chức thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khối lượng 87 dự án, đồ án phải điều chỉnh quy hoạch là quá lớn. Ông Đào Ngọc Nghiêm nói: “Đó là chưa kể tới việc thành phố còn phải điều chỉnh khoảng 40 đồ án, dự án phát triển đô thị nằm giữa vành đai 3 và vành đai 4 - thuộc đô thị trung tâm. Rõ ràng, với khối lượng phải điều chỉnh lớn như vậy, thành phố sẽ phải cân nhắc, xem xét rất cẩn thận”.

Kiểm tra mới đây của chính UBND TP Hà Nội cũng đã cho thấy, nếu không kiểm soát một cách tổng thể và chặt chẽ quá trình điều chỉnh, sẽ rất dễ phát sinh nguy cơ “loạn” quy hoạch. Hầu hết các dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở trong diện được kiểm tra vừa qua đều có sự điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu theo hướng có lợi cho chủ đầu tư. Điển hình như Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Văn Quán - Yên Phúc (Hà Đông) hay Đông Nam Trần Duy Hưng... việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện nhiều lần, làm hạn chế mục tiêu ban đầu của dự án, làm chậm tiến độ và thiếu đồng bộ trong đầu tư. Đặc biệt, một số ô quy hoạch chỉ tiêu sau điều chỉnh có đột biến lớn. Đơn cử, tại khu Văn Quán - Yên Phúc, ô đất ký hiệu CQ1 và CC2 có chiều cao theo quy hoạch ban đầu từ 6 tầng, sau khi điều chỉnh đã tăng lên 27 và 36 tầng. Ô đất ký hiệu CX2 ban đầu được xác định là cây xanh, chủ đầu tư đã xây dựng thêm công trình công cộng như câu lạc bộ, nhà hàng với mật độ xây dựng lớn... Cùng với chủ đầu tư, người sử dụng công trình thấp tầng nhà vườn, biệt thự cũng tự ý thay đổi thiết kế, quy mô công trình, dẫn đến sự sai khác so với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Nhận định từ kết quả rà soát cho thấy, việc phát triển nhanh các khu đô thị mới, khu nhà ở nhưng thiếu quy hoạch chung đồng bộ dẫn đến việc giữa các dự án chưa có sự khớp nối về tổ chức không gian, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật... Hậu quả là mạnh ai nấy làm, không có sự đấu nối, gây ra úng ngập cục bộ, ùn tắc giao thông... cho chính khu đô thị mới và khu dân cư lân cận. Đây chính là bài học lớn mà Hà Nội cần nghiêm túc xem xét trong đợt điều chỉnh quy hoạch quy mô lớn sắp tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân