Nhiều chợ ở Quảng Ngãi đang trở thành... “phế tích” vì dân không chịu vào mua bán.
Chợ Sơn Kỳ thuộc trung tâm cụm xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà) hiện luôn “vắng như chùa bà Đanh”. Chợ đã xây dựng khá lâu nhưng không có người họp nên đành… bỏ không. Chị Đinh Thị Nha (người dân tộc H’Rê), nhà ở gần chợ, nói: “Hồi trước vùng đất để làm chợ là ruộng lúa tốt lắm. Rồi huyện làm chợ nhưng chẳng thấy ai bán buôn gì. Tiếc quá”.
Tại huyện Tây Trà cũng xảy ra cảnh tương tự. Huyện đã xây dựng chợ Trà Phong khá hoành tráng. Chợ rộng 5.000m2 với kinh phí đầu tư lên đến 968 triệu đồng nhưng từ cuối năm 2006 đến nay gian chợ chính vẫn bỏ hoang, xã đành phân đôi gian chợ chính này cho một chủ trại mộc làm nhà xưởng và cho một người dưới xuôi lên mở quán nhậu. Anh Hà Đắc Chiến - người thuê chợ làm quán nhậu - nói: “Tiền thuê mặt bằng này chỉ 100.000 đồng/tháng. Ở đây ai cũng nghèo, tiền đâu mà nhậu…”.
Cụm chợ xã Ba Vì thuộc huyện miền núi Ba Tơ xây dựng năm 1998 với kinh phí 225 triệu đồng nhưng hai gian chợ chính cũng bỏ hoang phế, chợ bị xuống cấp trầm trọng, có chỗ cỏ cây mọc tràn vào phía trong. Chị Phạm Thị Trò cùng nhiều người dân thôn Làng Bung (xã Ba Tô), nói: “Bà con nghèo lắm. Không có tiền để đi chợ trung tâm cụm xã hoặc chợ huyện đâu. Chỉ ra đầu bản mua thức ăn từ những người chở xe máy từ dưới xuôi lên là được rồi”.
Chủ tịch UBND xã Ba Vì Phạm Văn Túc thở dài thừa nhận: “Cấp trên xây dựng rồi bàn giao cho địa phương quản lý nhưng xây chợ to mà dân nghèo, không họp chợ được là lãng phí”. Trước tình trạng chợ bị bỏ trống, UBND xã bèn đem 39 kiôt cho thuê để mở xưởng mộc, làm nhà ở với giá mỗi kiôt 10 triệu đồng, thời hạn 20 năm. Tính ra mỗi kiôt cho thuê chỉ được 41.000 đồng/tháng.
Chợ Ba Liên thuộc dự án hồ chứa nước Núi Ngang, sau khi đơn vị thi công bàn giao cho địa phương nhưng... không họp chợ được. Cách đây năm tháng chính quyền xã phải cho một chủ thuê làm trại nuôi gà với giá mỗi tháng 100.000 đồng.
Hầu hết chợ vùng cao được xây dựng từ nguồn vốn của chương trình 135 dành cho vùng đặc biệt khó khăn hoặc chương trình trung tâm cụm xã (thường do ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư). Sau khi xây dựng xong, chợ được bàn giao cho xã quản lý và đưa vào sử dụng. Sau đó chợ có phát huy hiệu quả hay không lại là trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: